Ngành hàng không thế giới thiệt hại hơn 250 tỷ USD vì dịch COVID-19
Do lệnh hạn chế đi lại và nhu cầu của người dân suy giảm vì lo ngại dịch COVID-19, các hãng hàng không trên thế giới dự báo tình trạng khủng hoảng sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng nữa.
Nhiều hãng hàng không toàn cầu đã khẩn thiết kêu gọi chính phủ các nước đẩy nhanh việc cứu trợ khi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã tăng gấp đôi ước tính thiệt hại từ cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong năm 2020 lên hơn 250 tỷ USD.
Với việc những chiếc máy bay không thể cất cánh vì lệnh hạn chế đi lại, cộng với nhu cầu suy giảm do người dân lo ngại lây nhiễm virus SARS-CoV-2, một loạt hãng hàng không trên toàn thế giới đang dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa.
Ryanair, hãng hàng không lớn nhất châu Âu tính theo số lượng hành khách, cho biết họ không kỳ vọng nối lại hoạt động bình thường vào tháng Tư hoặc tháng Năm.
Nhiều hãng hàng không chắc chắn sẽ không thể trụ lại khi nguồn tài chính của họ chịu tác động lớn như vậy.
Trong bối cảnh đó, Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac nói rằng ngành hàng không đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản - không có doanh thu mà vẫn phải thanh toán các chi phí khác.
Vì vậy các hãng hàng không rất cần nguồn tài chính hỗ trợ từ các chính phủ.
IATA vẫn giữ nguyên dự báo đưa ra vào tuần trước rằng các chính phủ cần đưa ra gói cứu trợ trị giá khoảng 200 tỷ USD cho ngành hàng không.
Song tổ chức này đã tăng gấp đôi ước tính về khoản lỗ của ngành hàng không trong năm 2020 từ 113 tỷ USD cách đây hơn hai tuần lên 250 tỷ USD.
Con số dự báo mới tương đương mức suy giảm doanh thu 44% so với năm 2019.
Tuy nhiên, ông De Juniac đã gạt đi vấn đề đang được tranh luận ngày càng gay gắt là liệu các gói cứu trợ cho ngành hàng không có nên đi kèm các yêu cầu hay không, như những cam kết mới về mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Ông này nói rằng ngành hàng không sẽ tiếp tục nỗ lực để hạn chế khí thải một khi cuộc khủng hoảng kết thúc.
Nhà kinh tế trưởng Brian Pearce của IATA cho biết các hãng hàng không châu Âu gặp nhiều nguy cơ nhất, với năng lực vận tải của họ tại khu vực dự báo sẽ giảm 90% trong quý 2/2020.
Ông cũng đề cập rằng những dấu hiệu về khả năng suy thoái kinh tế sâu có thể trì hoãn đà phục hồi của ngành hàng không, trái ngược với sự phục hồi nhanh được ghi nhận sau các dịch bệnh trước đó.
Trích dẫn những biểu đồ về các chỉ số du lịch hàng không thu thập được sau khi dịch SARS năm 2003 kết thúc, chuyên gia Pearce nói rằng trong trường hợp lần này, mô hình phục hồi sẽ là hình chữ U thay vì chữ V như giai đoạn đó./.