Ngành học hot, nhưng bản thân mình có 'hot' hay không mới là điều quan trọng

Thí sinh nên chọn ngành học theo tiếp cận rộng hay tiếp cận hẹp, chọn ngành VIP hay ngành hot, cơ hội việc ra sao nếu xã hội có thay đổi,...?

Đây là một trong những vấn đề quan tâm của phụ huynh, học sinh được nêu ra tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 diễn ra ngày 17/3 tại Hà Nội.

Ngành học “hot” nhưng người có “hot”?

Tại ngày hội tuyển sinh, một phụ huynh chia sẻ lo lắng về việc chọn ngành cho con: “Nếu chọn một ngành rộng quá, liệu con có thể bị mông lung trong “biển cả” của lĩnh vực đó không? Vì các con không đi sâu vào một cái gì, như vậy sợ rằng sau này khi ra trường sẽ lại không biết làm gì. Tuy nhiên, nếu chọn một ngành mà cái tên của nó hẹp quá, khi ra trường, thì con sẽ ứng phó ra sao nếu những diễn biến về nhân sự, bối cảnh kinh doanh, bối cảnh xã hội có sự thay đổi?”

Chia sẻ với phụ huynh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương nhận định, nên việc chọn ngành học theo cách tiếp cận rộng hay tiếp cận hẹp - đây là một băn khoăn rất quan trọng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương

Đưa ra lời khuyên, Phó giáo sư Vũ Thị Hiền cho rằng trong trường hợp này, phụ huynh và thí sinh phải là phải là “người tiêu dùng thông minh” - tức là những người đi mua dịch vụ giáo dục đại học.

“Để chọn mua dịch vụ, chúng ta phải xem dịch vụ đó như thế nào. Chúng ta hãy nhìn sâu vào chương trình đào tạo, cách mà ngôi trường đó giảng dạy để quyết định. Đối với một trường đại học, khi xây chương trình đào tạo đều tiếp cận cả 2 góc độ: độ rộng và độ hẹp. Nếu phụ huynh, thí sinh xem chương trình đào tạo thấy đáp ứng được cả hai yếu tố này thì nên chọn, dù tên ngành đó có thể “hẹp” hoặc “rộng”, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại Ngoại thương chia sẻ.

Với cơ hội học tiếp lên thạc sĩ, Phó giáo sư Vũ Thị Hiền nhấn mạnh, dù ngành rộng hay hẹp, cơ hội học lên vẫn rất rộng mở.

Liên quan đến câu hỏi về việc chọn ngành "VIP", ngành "hot", Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương bày tỏ, việc chọn ngành, chọn nghề liên quan đến cả một tương lai rất dài.

“Tất nhiên rằng không phải chúng ta chọn rồi sẽ bị bó buộc với ngành đó. Lời khuyên của tôi là các bạn nên cho chính bản thân mình nhiều cơ hội, phải tạo ra nhiều năng lực cốt lõi. Điều này có nghĩa là không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học cách tiếp cận liên ngành. Chúng ta học kinh tế nhưng cũng có thể học thêm luật, hay khoa học dữ liệu dưới một hình thức nào đó, mà không nhất thiết phải có thêm một tấm bằng nữa nhưng cần có một khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai.

Do vậy, “ngành VIP” hay “ngành hot” phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu giỏi trong một lĩnh vực nào đó, đẩy năng lực mình lên tới một mức rất cao thì việc kiếm việc làm, đảm bảo mức lương theo khái niệm “VIP” hay “hot” là không khó khăn”, cô Hiền chia sẻ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa

Cũng đưa ra lời khuyên cho thí sinh trước “làn sóng” ngành hot hiện nay, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhấn mạnh, thí sinh không nên vội chạy theo xu hướng, bởi “ngành hot bây giờ chưa chắc còn hot trong 5 năm nữa”.

“Thí sinh đừng nên thấy ngành nào hiện nay đang hot, đang có nhu cầu mà thi nhau vào. Ngành học hot, nhưng bản thân mình có “hot” hay không, mình có học tốt hay không mới là điều quan trọng.

Tôi nghĩ các em đừng nên chạy theo ngành hot vội, trước khi chọn ngành, các bạn cần tự trả lời những câu hỏi: Mình có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành đó không? Ngành đó có phát triển được hay không? Học phí ngành đó có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với mình?”, thầy Khánh lưu ý với các thí sinh.

Thí sinh lắng nghe tư vấn tuyển sinh tại gian hàng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trước thực trạng nhiều sinh viên ra trường làm trái nghề nhiều, phụ huynh cũng đặt câu hỏi về việc định hướng như thế nào để học sinh chọn đúng ngành, đúng nghề, tránh lãng phí thời gian và các nguồn lực.

Trả lời về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định:

“Trong đào tạo đại học hiện nay đã hướng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực, điều này sẽ cho người học một nền tảng rộng và phương pháp làm việc, phương pháp tự học để học tập suốt đời”.

Từ đó, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học nhấn mạnh, trong bối cảnh tốc độ phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội như vũ bão hiện nay, các bạn trẻ không được dừng lại việc học, mà phải liên tục cập nhật, bổ sung kiến thức.

“Việc học đại học hay cao đẳng mới chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất để cho các em những phương pháp đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp. Chúng ta học 1 ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề. Tôi có thể khẳng định với phụ huynh và thí sinh như vậy”, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Liên hệ dẫn chứng ngay chính bản thân mình, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ:

“Tôi từng học Trường Đại học Ngoại thương nhưng bây giờ làm quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Như vậy có trái ngành trái nghề không? Không hề trái ngành, trái nghề một chút nào. Đó là sự tích lũy rất nhiều kiến thức trong quá trình học tập ở nhà trường, trong quá trình làm việc về giáo dục đại học gần 30 năm qua cùng những cập nhật những biến động trên thế giới”.

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, mặc dù đã gần 50 tuổi nhưng đến nay cô vẫn không dừng việc học mà liên tục học, cập nhật kiến thức mới: “Đây là con đường không thể tránh được. Các em không chỉ dừng lại ở bậc đại học, không phải vì bằng cấp mà vì sự phát triển của chính chúng ta, và phải đóng góp được cho xã hội, cho gia đình”.

Bộ yêu cầu dừng tuyển sinh vào 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ, phụ huynh lo chứng chỉ ngoại ngữ đã "hết thời"

Bên cạnh vấn đề chọn ngành, chọn nghề, nhiều phụ huynh, thí sinh cũng quan tâm đến việc tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ của trường đại học. Đặc biệt, trước thông tin vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương ngừng tuyển sinh vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ, không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng đặt câu hỏi về việc liệu chứng chỉ ngoại ngữ đã “hết thời”?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội

Trước thông tin này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội khẳng định không có chuyện các trường từ chối chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh.

“Nước ta đang cố gắng hết sức để hội nhập quốc tế và muốn hội nhập, phải có ngoại ngữ. Hiện nay cũng có rất nhiều ngoại ngữ đang được dạy ở Việt Nam như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nga,...

Chưa kể, sinh viên vào trường, lúc ra trường bắt buộc phải có chuẩn đầu ra ngoại ngữ, thông thường là tiếng Anh bậc 4/6. Ngoài ra, theo thống kê, cơ hội việc làm, mức lương khi mới ra trường của sinh viên làm chủ được ngoại ngữ thường cao hơn so với sinh viên không làm chủ được ngoại ngữ. Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ không trường đại học nào bỏ cách xét tuyển bằng những chứng chỉ ngoại ngữ”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, những năm trước, danh mục những chứng chỉ ngoại ngữ thí sinh được miễn thi trong xét tốt nghiệp chỉ được nêu trong hướng dẫn thi. Nhưng năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa danh mục những chứng chỉ ngoại ngữ thí sinh được miễn thi trong xét tốt nghiệp vào trong quy chế thi (phần phụ lục). Điều này chứng tỏ sự quan tâm được nâng lên. Tuy nhiên, để sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ đó để xét tuyển đại học thì tùy thuộc quy định khác nhau của mỗi trường.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 có thể sẽ diễn ra sớm hơn so với năm 2023 (năm 2023 thi vào ngày 28,29/6/2023). Thí sinh trong năm nay dự kiến sẽ có 15 ngày để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Các trường đại học thông báo thí sinh trúng tuyển trong đợt 1 chậm nhất là 17 giờ ngày 12/8/2024. Dự kiến hạn chót là 17 giờ ngày 18/8, thí sinh phải hoàn thành việc xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1, và từ tháng 9 đến tháng 12/2024 sẽ dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo.

Một số hình ảnh tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024:

Gian hàng tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Phụ huynh quan tâm đến khối ngành kinh tế của Trường Đại học Hòa Bình

Gian hàng của Trường Đại học Thủy Lợi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Với truyền thống hơn 70 năm đào tạo, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là địa chỉ tin cậy cho học sinh và phụ huynh. Với phương châm học đi đôi với hành, sinh viên nhà trường ngay từ năm nhất đã được đi thực hành, thực tập để cọ xát, bồi dưỡng thêm kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, giúp sinh viên khi tốt nghiệp có đủ tự tin bước vào thị trường lao động”. Hình ảnh Phó giáo sư Hoàng Anh Huy đang tư vấn cho thí sinh.

Gian hàng tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Chia sẻ về không khí tư vấn tuyển sinh tại gian hàng của mình, đại diện Trường Đại học học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: "Số lượng phụ huynh, học sinh tham dự rất đông. Năm 2025, khả năng sẽ có sự thay đổi lớn trong công tác xét tuyển đại học, nên ngoài học sinh 12 còn có rất nhiều học sinh lớp 11 tới tham quan, tìm hiểu thông tin tuyển sinh".

Dự kiến ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 có thể sẽ diễn ra sớm hơn so với năm 2023 (năm 2023 thi vào ngày 28,29/6/2023).

Minh Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-hoc-hot-nhung-ban-than-minh-co-hot-hay-khong-moi-la-dieu-quan-trong-post241528.gd