Ngành học nào được nhiều thí sinh đại học lựa chọn nhất mấy năm qua?

Trong gần 615.000 thí sinh trúng tuyển đại học đã nhập học năm 2024, có 25% số thí sinh lựa chọn ngành Kinh doanh và Quản lý.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, có gần 615.000 thí sinh trúng tuyển đã nhập học tại các trường đại học trên cả nước.

Trong đó, 25% thí sinh lựa chọn ngành Kinh doanh và Quản lý, xếp sau đó là Máy tính và Công nghệ thông tin (12%), Công nghệ kỹ thuật (9%), Nhân văn (9%) và Sức khỏe (6%).

Số còn lại nhập học vào các ngành như: Khoa học xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Kỹ thuật, Pháp luật, Kiến trúc và xây dựng, Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân.

Năm 2024, có 52,18 % số thí sinh trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, gần 27,86% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ. Số còn lại trúng tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy: 3,36%; xét tuyển kết hợp giữa tuyển thẳng theo Đề án và các phương thức khác; các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức): 1,121%.

Vài năm gần đây, đa số đại học lấy điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh điểm chuẩn dao động từ 20 đến 27 thậm chí lên tới 28 điểm.

Quản trị kinh doanh là ngành phổ biến, được đào tạo ở hàng loạt trường khối ngành kinh tế như trường Đại học Ngoại thương, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, trường Đại học Thương mại, trường Đại học Kinh tế TP HCM hay Công nghiệp.

Mặt khác, gần đây một số trường khối Kỹ thuật như trường Đại học Thủy lợi, trường Đại học Giao thông vận tải, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội,... cũng mở đào tạo ngành này.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong ba năm gần đây (năm 2020-2023), nhóm Kinh doanh và Quản lý luôn chiếm khoảng 25% tổng số thí sinh vào đại học. Trong đó, riêng Quản trị kinh doanh là 10%.

Do nhiều trường đào tạo, điểm chuẩn của ngành này cũng trải rộng. Chẳng hạn Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân lấy điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đều trên 27,5/30 điểm. Các nhiều trường như trường Đại học Lao động - Xã hội, Học viện Phụ nữ hoặc Đại học Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, mức điểm khoảng 18-25.

Một trong những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm 2025 so với trước là bỏ xét tuyển sớm. Đây là các đợt tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, phổ biến là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) kết hợp tiêu chí khác.

Năm nay, các đại học vẫn có thể dùng những phương thức này, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp, đồng thời quy đổi điểm giữa các phương thức, tổ hợp về thang chung.

Với tổ hợp xét tuyển, Bộ không giới hạn số lượng, nhưng yêu cầu phải gồm ít nhất ba môn, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo. Trong đó, Toán hoặc Ngữ văn là bắt buộc, với trọng số tính điểm không dưới 25%. Thực tế các năm trước, hầu hết trường đảm bảo điều này.

Đến nay, khoảng hơn 100 trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh dự kiến, cơ bản xét tuyển bằng nhiều phương thức nhưng chưa công bố thời gian, chỉ tiêu.

Theo đó, một số trường đã ban hành đề án chính thức với một số thay đổi để phù hợp với dự thảo quy chế tuyển sinh mà Bộ đưa ra từ cuối năm ngoái.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nganh-hoc-nao-duoc-nhieu-thi-sinh-dai-hoc-lua-chon-nhat-may-nam-qua-post1729683.tpo