Ngành học nào làm nên thương hiệu của Trường ĐH Lạc Hồng ở cuộc thi robocon?

'Những nghề nghiệp liên quan đến nghiên cứu, chế tạo robot chắc chắn sẽ có cơ hội việc làm rộng mở trong thời gian tới.' – PGS Nguyễn Vũ Quỳnh nhận định.

Trong những năm gần đây, Trường Đại học Lạc Hồng đã gây được tiếng vang lớn khi liên tiếp giành thắng lợi ở cuộc thi sáng tạo Robot (Robocon). Nhờ những thành tích nổi bật từ cuộc thi này, các ngành học về công nghệ, robot,… dần trở thành thế mạnh của trường và nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh.

Ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí – “cái nôi” hình thành thương hiệu Robocon của trường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, trong thời đại công nghệ 4.0, robot và trí tuệ nhân tạo được coi là tâm điểm của cuộc cách mạng công nghệ này.

Việc robot thay thế con người trong một số hoạt động đã, đang và sẽ là xu hướng phát triển của xã hội. Vì thế, những nghề nghiệp liên quan đến nghiên cứu, chế tạo robot chắc chắn sẽ có cơ hội việc làm rộng mở trong thời gian tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: NVCC

Khi nói về ngành học làm nên thương hiệu của Trường Đại học Lạc Hồng ở các cuộc thi Sáng tạo Robot, Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết, ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (chuyên ngành Cơ điện tử) được coi là “cái nôi” hình thành nên thương hiệu Robocon Lạc Hồng.

Ngành học này được coi là sự kết hợp của kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính, giúp sinh viên biết thiết kế, cải tiến và lắp ráp các thiết bị khác nhau trong hệ thống sản xuất tự động; vận hành và thực hiện quy trình khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị của hệ thống sản xuất tự động; khai thác và xây dựng các phần mềm trong việc điều khiển các máy móc tự động bằng máy tính và các phương tiện điều khiển số khác;…

“Sinh viên khi học ngành học này được trang bị các kiến thức liên quan đến điện tử, cơ khí và lập trình – ba mảng kiến thức chính của các máy móc tự động hóa trong công nghiệp. Chính nhờ điều này đã giúp cho sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) sau khi tốt nghiệp có thể vận hành, bảo trì, sửa chữa các máy móc trong công nghiệp một cách dễ dàng hơn.

Từ thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy sinh viên học ngành này có thể thiết kế robot nhanh hơn so với những sinh viên chỉ được đào tạo chuyên về điện tử mà không có kiến thức về cơ khí, hay sinh viên chỉ chuyên về lập trình mà không có kiến thức về cơ khí, điện tử...” – thầy Quỳnh thông tin thêm.

Được biết, ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) được đơn vị này bắt đầu tuyển sinh và đào tạo từ năm 1999.

So với nhiều cơ sở giáo dục đại học khác trong nhóm ngành kỹ thuật, cơ khí đang có sự giảm sút về tỉ lệ nhập học, nhờ có sức hút của sân chơi Robocon, số lượng sinh viên nhập học ngành học Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) tại Trường Đại học Lạc Hồng vẫn được duy trì ổn định trong nhiều năm gần đây. Trung bình mỗi khóa, trường có khoảng 100 sinh viên nhập học ngành học này.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức của đơn vị khi trong quá trình tuyển sinh và đào tạo, thầy Quỳnh cho hay: "Ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) gắn liền với sự thay đổi nhanh chóng, liên tục của khoa học công nghệ. Điều này được coi là thách thức lớn nhất của cả cơ sở đào tạo và sinh viên của ngành học này.

Bởi những yêu cầu về trang thiết bị thực hành và chương trình đào tạo phải được cập nhật thường xuyên; đồng thời, người học cần trang bị khả năng học tập trọn đời để có thể thích nghi kịp với các thay đổi này của công nghệ.

Vì thế, Trường Đại học Lạc Hồng cũng phải thường xuyên củng cố, trang bị những máy móc, cơ sở vật chất mới phục vụ cho công tác đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học này cũng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để luôn được cập nhật kiến thức, công nghệ và nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp về trang thiết bị, máy móc sản xuất để phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, thực hành".

Robocon đã trở thành một phong trào sôi nổi của sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: NTCC

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề của các ngành học có liên quan đến kỹ thuật, cơ khí hiện nay là chênh lệch về giới tính. Các ngành này thường bị đánh giá là vất vả, không phù hợp với đối tượng sinh viên nữ. Không ngoại lệ, ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) của Trường Đại học Lạc Hồng cũng khá kén nữ sinh theo học.

Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết, hiện nay, các ngành như Công nghệ Kỹ thuật điện điện tử, Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử)... đa phần thu hút sinh viên nam. Số lượng sinh viên nữ theo học khá ít.

Vì thế, trong những năm qua, nhà trường đã có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đối tượng sinh viên nữ vào học các ngành kỹ thuật của trường bằng cách giảm 30% học phí và có nhiều chính sách ưu đãi khác trong suốt quá trình học.

Nhận định về vấn đề này, thầy Quỳnh cho rằng: "Trên thực tế, vị trí việc làm của các ngành kỹ thuật cũng cần rất nhiều đối tượng là nữ. Vì phụ nữ khéo léo, cẩn thận, kiên nhẫn.

Mọi người thường nghĩ học kỹ thuật là vất vả, nặng nhọc. Nhưng không phải cứ học kỹ thuật là phải ra công trường, nhà xưởng, hay phải làm việc với máy móc ồn ào, nặng nhọc. Nữ giới học kỹ thuật có thể làm việc tại các phòng thiết kế của các nhà máy, công ty.

Ở thời điểm hiện tại, cũng rất nhiều doanh nghiệp có các chính sách ưu tiên tuyển dụng đối tượng nữ làm việc trong các ngành kĩ thuật. Đây là một chủ trương rất hay, nhằm cân bằng giới tính, tạo ra môi trường làm việc vui vẻ, hòa đồng, thân thiện trong công ty".

Nói thêm về cơ hội việc làm của sinh viên ngành học, thầy Quỳnh cho biết, trong thời đại công nghệ, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) được coi là ngành học kỹ thuật cần thiết và là mắt xích quan trọng trong quá trình tự động hóa sản xuất.

Bởi hiện nay, tất cả các nhà máy đều có máy móc sản xuất bán tự động hoặc tự động. Các máy móc này đều được cấu thành từ các yếu tố cơ bản như cơ khí, điện tử và tự động hóa. Do vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc, có cơ hội việc làm rộng mở, ở các vị trí như chuyên viên tư vấn công nghệ; thiết kế kỹ thuật; lập trình điều khiển; thi công và chuyển giao các dây chuyền, hệ thống tự động, bán tự động tại các công ty về cơ khí, điện, điện tử;...

Mức lương trung bình dành cho các sinh viên mới ra trường ngành này rơi vào khoảng từ 8 – 10 triệu đồng/tháng và có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

"Ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) của Trường Đại học Lạc Hồng được tuyển sinh theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo; trong đó, đặc biệt sẽ phù hợp với các ứng viên có đam mê về khoa học kỹ thuật.

Để đáp ứng được công việc, bên cạnh kiến thức, kỹ năng và thái độ được trang bị và rèn luyện trong suốt quá trình đào tạo, người học cần bổ sung thêm các kỹ năng mềm quan trọng khác như kỹ năng tự học, thích nghi, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện để có thể đáp ứng được những thay đổi của công việc trong tương lai” – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng nhấn mạnh thêm.

Bạn Nguyễn Nho Phong Vũ (ở giữa) là Á Quân cuộc thi Robocon Việt Nam 2023, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, khoa Cơ Điện Tử, Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: NTCC

Bạn Nguyễn Nho Phong Vũ (Á Quân cuộc thi Robocon Việt Nam 2023, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, khoa Cơ Điện Tử, Trường Đại học Lạc Hồng) cho hay: “Từ thuở nhỏ, với niềm yêu thích Robocon, mình thường xuyên theo dõi các đội tuyển dự thi và có ấn tượng sâu sắc đối với thí sinh Trường Đại học Lạc Hồng.

Đó cũng là lý do khiến mình bắt đầu tìm hiểu về các ngành học của trường, nuôi dưỡng đam mê trở thành nhà vô địch cuộc thi Robocon. Nhờ vậy mà mình biết đến ngành ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) - một ngành học hội tụ đủ những kiến thức (cơ khí kết hợp với điện tử) giúp mình tham gia cuộc thi.

Đúng với tên gọi của ngành, khi vào học, chúng mình được tiếp xúc, thực hành với hầu hết các khâu để hoàn thiện một sản phẩm công nghiệp. Sau 4 năm học, mình đã có thể ứng dụng để tự chế tạo, lập trình một chú robot hoàn chỉnh”.

Học ngành gì để thi Robocon?

Tính đến nay, Trường Đại học Lạc Hồng đã 9 lần vô địch Robocon Việt Nam; 3 lần đạt chức vô địch châu Á – Thái Bình Dương, cùng nhiều giải thưởng khác tại sân chơi quốc tế này (3 giải Nhì và 3 giải Ba).

Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, thành viên tham dự và giành chức vô địch cuộc thi Robocon Việt Nam trong nhiều năm qua của Trường Đại học Lạc Hồng phần lớn là sinh viên của 3 ngành chủ chốt gồm Công nghệ kỹ thuật cơ khí (cơ điện tử), Công nghệ Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử. Trong đó, nổi bật nhất là sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử).

Ngoài ra, sinh viên khi học các ngành như Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin,… cũng có thể tham gia cuộc thi Robocon.

“Bởi khi học các ngành học này, sinh viên được đào tạo cả kiến thức nền tảng và chuyên sâu về thiết kế, chế tạo và cải tiến các sản phẩm cơ khí, điện tử và lập trình, kiến thức về cảm biến,… đây là những thành phần cấu tạo, giúp làm nên những chú robot hoạt động linh hoạt, hiệu quả; đồng thời, có đủ kiến thức để thực hiện các yêu cầu của đề thi nhanh và chính xác nhất.

Việc chế tạo robot khi tham gia cuộc thi Robocon cũng tương tự như việc chế tạo máy móc trong công nghiệp, phải đáp ứng được tốc độ, tính chính xác khi tạo ra một sản phẩm” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh nhận định.

Các thành viên đội tuyển LH-FLASH giữ chức vô địch cuộc thi Robocon năm 2020 của Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: NTCC

Hiện nay, quy trình cuộc thi Robocon của Trường Đại học Lạc Hồng thường được tổ chức thành các giai đoạn chính sau: Đầu tiên là cuộc thi về ý tưởng; sau khi chọn được các ý tưởng xuất sắc, nhà trường tiếp tục tổ chức cuộc thi chế tạo thử nghiệm; tiếp đó là vòng loại cấp trường để lựa chọn các đội dự thi; đồng thời, trường cũng tổ chức nhiều giải đấu có quy mô nhỏ để sinh viên được giao lưu, rút kinh nghiệm và cải tiến các robot hoàn thiện hơn; cuối cùng, nhà trường lựa chọn ra 5 đội xuất sắc nhất tham dự vòng loại khu vực phía Nam.

Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Từ thực tế trong những năm qua, có thể đánh giá, cuộc thi Robocon cấp trường của Trường Đại học Lạc Hồng còn khốc liệt hơn cả vòng loại khu vực phía Nam.

Nhà trường xác định đây là sân chơi dành cho sinh viên và giúp các bạn rèn luyện các kiến thức và kỹ năng phục vụ cho cuộc thi, cũng như công việc tương lai. Vì vậy Trường Đại học Lạc Hồng luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện để sinh viên đều có cơ hội thử sức với sân chơi Sáng tạo Robot này.

Chính nhờ những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích đúc kết từ cuộc thi, mà nhiều sinh viên là thành viên tham dự thi Robocon trở thành ứng viên sáng giá, được tuyển dụng vào các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp".

Là một cựu thành viên thuộc đội tuyển thi Robocon của Trường Đại học Lạc Hồng, bạn Trương Thanh Luân (sinh viên khóa 2016, thành viên đội tuyển LH-FLASH tham gia cuộc thi Robocon năm 2020 của trường, hiện đang làm tại Suzuki Việt Nam) kể rằng, trong một lần tình cờ xem được chương trình Robocon trên tivi vào năm 2010, nhìn những chú robot chạy trên sân khiến Luân cảm thấy thú vị và tò mò làm sao để tạo ra được những chú robot như vậy.

Sau khi theo học tại Trường Đại học Lạc Hồng, Thanh Luân tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của mình. Nói về kỉ niệm khi tham gia cuộc thi thì có nhiều, nhưng với Luân, ấn tượng nhất có lẽ là chuỗi tháng ngày ăn cơm chay để có tiền mua phụ kiện thi.

“Lúc đó, mình còn là sinh viên và còn phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Khi xác định theo đuổi cuộc thi Robocon, mình không có nhiều thời gian đi làm thêm nên kinh tế càng eo hẹp. Để đủ tiền mua linh kiện chế tạo robot, mình cùng cả nhóm thi đã kéo nhau ra quán cơm chay xin làm “mối ruột”. Hết mùa robocon mình giảm được hẳn 3 kí lô” – Thanh Luân chia sẻ.

Theo nam sinh này, ở Robocon Lạc Hồng có một điểm rất hay đó là “truyền thống kế thừa”. Những công nghệ hay, kinh nghiệm xương máu rút ra từ những thế hệ đi trước đều được đúc kết để truyền lại cho những thế hệ sau, giúp thế hệ sau tiếp tục cập nhật và phát triển thêm cho những thế hệ sau nữa. Nhờ vậy mà Robocon Lạc Hồng ngày càng lớn mạnh.

Nhưng để tham gia được cuộc thi Robocon và nối tiếp được truyền thống trên, bên cạnh việc nghiêm túc học tập kiến thức được nhà trường trang bị trên giảng đường để ứng dụng vào chủ đề tham dự, điều quan trọng nhất là sinh viên phải giữ được ngọn lửa đam mê.

Vì không có đam mê sáng tạo, đam mê robocon thì những công nghệ, kinh nghiệm của các thế hệ trước cũng sẽ chỉ mãi dừng ở đó.

Tuy có lúc vất vả, nhưng nhờ cuộc thi này, các bạn sinh viên tham dự, trong đó có Luân đã học hỏi được nhiều bài học bổ ích.

“Với mình, Robocon không chỉ là sân chơi, mà ở đó còn là nơi để các bạn sinh viên yêu khoa học kĩ thuật thỏa sức sáng tạo, cháy hết mình với đam mê. Cũng nhờ cuộc thi này mà mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Đầu tiên, phải kể đến việc mình học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích về chuyên môn, nâng cao tay nghề sau cuộc thi. Mình trở nên nhanh nhạy hơn trong giải quyết công việc, luôn cố gắng tìm tòi ra cái mới, nâng cao tính sáng tạo.

Đồng thời, mình được thực hành, trau dồi nhiều kĩ năng khác nhau như: kĩ năng làm việc nhóm (biết sắp xếp, phân công nhiệm vụ; có ý thức, trách nhiệm hơn với nhiệm vụ được giao...), biết tự lập kế hoạch công việc cho bản thân, kĩ năng quản lý tài chính, kĩ năng viết báo cáo và thuyết trình, ứng dụng 3S/5S (một phương pháp sắp xếp, quản lý nơi làm việc nổi tiếng bắt nguồn từ Nhật Bản, gồm các yếu tố: sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, và sẵn sàng).

Xưởng robot của tụi mình không khác gì một nhà máy mini, bởi có giờ giấc, nội quy làm việc,... Tụi mình được rèn luyện để làm quen với môi trường công việc trong tương lai. Những điều này đã trở thành bước đệm vững chắc trước khi bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp” – cựu thành viên đội tuyển Robocon Trường Đại học Lạc Hồng cho hay.

Kim Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-hoc-nao-lam-nen-thuong-hieu-cua-truong-dh-lac-hong-o-cuoc-thi-robocon-post240951.gd