Ngành khách sạn chờ cơ hội phục hồi

Mặc dù đã xoay sở rất nhiều các giải pháp như đáp ứng yêu cầu ba tại chỗ hay cách ly tập trung để cải thiện tình hình hoạt động, song ngành khách sạn vẫn đang rất khó khăn trong và sau đại dịch.

Tình hình hoạt động của các khách sạn có thể sẽ tiếp tục khó khăn trong cuối năm 2021

Tình hình hoạt động của các khách sạn có thể sẽ tiếp tục khó khăn trong cuối năm 2021

Theo số liệu từ Savills Việt Nam, trong quý III/2021, tổng nguồn cung khách sạn tại TP.HCM còn 10.400 phòng đến từ 74 dự án khách sạn, giảm 22% theo quý và 27% theo năm. Nguồn cung giảm do TP.HCM đã huy động 30 khách sạn với gần 3.500 phòng thuộc cả ba phân khúc để hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Gần 1.000 phòng từ 15 dự án đã mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu lưu trú của các doanh nghiệp theo yêu cầu phòng chống dịch. Hầu hết các khách sạn mở cửa lại thuộc hạng 3 sao. Số lượng khách nhập cảnh giảm và quy định cách ly y tế tại nhà khiến sáu khách sạn cách ly chuyển đổi công năng trở lại làm khách sạn thường.

Không thể phủ nhận, các quy định “ba tại chỗ”, ”hai cung đường một điểm đến” đã giúp công suất hoạt động của khách sạn có sự cải thiện. Nhiều khách sạn được hưởng lợi từ những biện pháp phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt trong quý 3, khi các doanh nghiệp thuê phòng khách sạn cho nhân viên ở để đảm bảo hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Công suất khách sạn đạt 55%, tăng 38% theo quý và 43 điểm phần trăm theo năm. Tuy nhiên, công suất này vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Bên cạnh đó, các khách sạn cách ly cũng có tỷ lệ lấp đầy 38%, giảm 26% theo quý do nhu cầu cách ly tập trung sụt giảm.

Áp lực trả nợ đè nặng khách sạn, nhà hàng

Mặt khác, ưu đãi giá phòng cho doanh nghiệp thuê dài hạn và giảm nhu cầu về cơ sở cách ly có thu phí khiến giá phòng trung bình giảm 29% theo quý và 11% theo năm ở mức 49USD/phòng/đêm.

Theo ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, về triển vọng thị trường trong thời gian tới, áp lực nguồn cung sẽ tăng lên trong quý IV/2021 khi 30 khách sạn phục vụ tuyến đầu chống dịch sẽ hoạt động trở lại bình thường sau khi Bộ Y tế rút lực lượng chi viện khỏi TP.HCM. Điều này sẽ khiến tình hình hoạt động của các khách sạn có thể bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp giảm nhu cầu đặt phòng khách sạn lưu trú.

Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch nội địa trong quý IV sẽ là động lực phát triển bền vững đối với ngành khách sạn.

Ông Troy nhận định, một điểm đặc biệt của thị trường du lịch khách sạn tại Việt Nam là 80% khách hàng nội địa là người Việt Nam, hoặc những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi tin tưởng sự khôi phục mạnh mẽ của ngành du lịch trong nước sẽ hoàn toàn khả thi.

Mô hình staycation- du lịch tại chỗ cũng sẽ là xu hướng được khách hàng ưa chuộng, giúp các khách sạn cải thiện doanh thu. Các khách sạn 4-5 sao cũng đang dần có những gói dịch vụ khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách nội địa trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, hiện TP.HCM đã bước vào giai đoạn “Chung sống an toàn với Covid-19” và từng bước nới lỏng hạn chế du lịch. Kế hoạch phục hồi du lịch được chia thành ba giai đoạn, tập trung kết nối điểm du lịch an toàn liên vùng vào cuối năm 2021 và đặt mục tiêu đón khách quốc tế vào tháng 6/2022. Đây sẽ là động lực lớn thúc đẩy ngành khách sạn trong thời gian tới.

Kinh nghiệm từ thế giới cũng cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á khác bao gồm Thái Lan, Singapore và Malaysia cũng đang chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới” và bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ trở lại.

Tại Việt Nam, việc triển khai hộ chiếu du lịch đang được đẩy mạnh cũng là một yếu tố rất quan trọng để có thể mở cửa với các khách du lịch nước ngoài. Trong giai đoạn 2022-2023, một loạt các thương hiệu mới sắp ra mắt trên thị trường du lịch nghỉ dưỡng như Grand Mecure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lottee, Dusit and Wink Hotel với số lượng hơn 1200 phòng chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam, ngay sau khi các quy định về hạn chế du lịch được nới lỏng.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước với những chính sách rất kịp thời về các gói hỗ trợ doanh nghiệp, việc giảm thuế…, các chủ đầu tư khách sạn và các nhà điều hành tại Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng về sự khôi phục mạnh mẽ của ngành du lịch trong những tháng tiếp theo, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định.

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nganh-khach-san-cho-co-hoi-phuc-hoi-1635494132262.htm