Ngành khai khoáng khó khăn hơn, chỉ số sản xuất giảm

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 06/9, Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thép là một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Ảnh: ST

Thép là một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Ảnh: ST

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 1,0 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,0%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như Lai Châu tăng 45,4%; Phú Thọ tăng 40,0%; Bắc Giang tăng 28,1%; Bình Phước tăng 17,2%; Thanh Hóa tăng 16,6%.

Nhưng một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm như Hà Tĩnh giảm 4,4%; Quảng Ngãi giảm 3,2%; Gia Lai giảm 1,6%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tám tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước giảm: Lạng Sơn giảm 16,4%; Quảng Ngãi giảm 13,1%; Thừa Thiên - Huế giảm 7,8%; Lâm Đồng giảm 5,7%; Gia Lai giảm 1,8%. Địa phương có chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm: Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 12,9%; Lâm Đồng giảm 11,1%; Quảng Trị giảm 1,8%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 31%; thép cán tăng 17,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,6%; đường kính tăng 14,2%; xăng, dầu các loại tăng 12,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; sữa bột tăng 11,2%; điện sản xuất tăng 10,9%; thủy hải sản chế biến tăng 10,7%.

Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Khí hóa lỏng LPG giảm 15,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 5,2%; bia giảm 3,7%; than sạch giảm 3,4%; alumin giảm 2,7%.

* Theo Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 tăng 0,9% so với tháng trước. Ảnh: ST

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 tăng 0,9% so với tháng trước. Ảnh: ST

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,6% và tăng 1,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1% và tăng 5,7%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,0% và tăng 4,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 0,8%./.

ĐỨC ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nganh-khai-khoang-kho-khan-hon-chi-so-san-xuat-giam-34333.html