Ngành Kiểm sát nhân dân tham gia Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) vừa ban hành Công văn số 741/VKSTC-T5 ngày 6/3/2023 gửi các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao; Viện kiểm sát quân sự Trung ương; VKSND cấp cao; VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tham gia Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023.

Công văn nêu rõ, thực hiện Kế hoạch công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2023; Công văn số 02/TL-BTC ngày 14/6/2022 của Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023, Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND yêu cầu các đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị công tác của ngành KSND năm 2023 và các Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao. Trong đó, tuyên truyền đậm nét về nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của toàn ngành Kiểm sát là chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề dư luận xã hội bức xúc, những vấn đề nổi cộm; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý tội phạm tham nhũng, nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với những người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Quyết liệt hơn trong áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nhiệm vụ chính trị của Ngành; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, về vị trí, vai trò của VKSND trong nhà nước pháp quyền và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương điển hình tiên tiến, những thành tựu, những cách làm có hiệu quả của các đơn vị, VKSND địa phương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công lý, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao giải B cho 10 tác giả, nhóm tác giả tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao giải B cho 10 tác giả, nhóm tác giả tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021. (Ảnh minh họa: TTXVN)

2. Các đơn vị bám sát vào Công văn số 02/TL-BTC ngày 14/6/2022 của Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ban hành Thể lệ Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 để triển khai thực hiện - (Công văn số 02 kèm Thể lệ được đăng tải trong Chuyên mục Báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Báo điện tử Bảo vệ pháp luật).

3. Giao Báo Bảo vệ pháp luật (đại diện Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND) tham mưu hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc tổ chức thực hiện Giải báo chí.

- Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát mở chuyên mục, tiếp nhận, biên tập, đăng, phát các bài viết hưởng ứng, tham gia Giải do các đơn vị, các tác giả, cộng tác viên gửi tới; đồng thời tổ chức phóng viên, nhà báo thuộc đơn vị mình tham gia và tuyển chọn nhiều tác phẩm có chất lượng tham dự giải.

- Mỗi đơn vị trong Ngành tạo điều kiện cho phóng viên, nhà báo tham gia viết về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời lựa chọn 2-3 tác phẩm có chất lượng tốt, đã được đăng, phát trên các loại hình báo chí trong nước (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) kể từngày 13/11/2021 đến 31/8/2023 để gửi tham dự Giải. Tác phẩm báo chí dự Giải gửi Báo Bảo vệ pháp luật, các cấp Hội nhà báo hoặc gửi trực tiếp tới Ban Tổ chức Giải trong thời hạn quy định, đồng thời tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND.

Nhận được công văn này, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSQS Trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến, động viên tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình tích cực hưởng ứng, gửi tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023.

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/bao-chi-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/nganh-kiem-sat-nhan-dan-tham-gia-giai-bao-chi-toan-quoc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-136476.html