Ngành kỹ xảo đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Kỹ xảo điện ảnh (VFX) trong phim Việt ngày càng có những bước tiến vượt bậc. Đại cảnh hoành tráng hay quái thú cần sự chân thực đến từng chi tiết dần trở thành 'chuyện nhỏ' với các studio trong nước. Tuy nhiên, trước sự nở rộ của các đối thủ ngoại quốc ngay trên sân nhà, ngành kỹ xảo Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn...
Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, ngành VFX Việt đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Theo thống kê của Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam, hiện nước ta có hơn 100 studio chuyên về VFX, hoạt hình và game với trên 8.200 nhân sự. Với tốc độ tăng trưởng 26 studio/năm, số lượng đơn vị kỹ xảo trong nước sẽ còn nhân mạnh trong tương lai.
Chuyên trang “Market.us” dự đoán giai đoạn 2023 - 2033, thị trường VFX toàn cầu sẽ bùng nổ, tăng trưởng từ 15 tỉ USD lên 40 tỉ USD. Trong đó, thị trường VFX Việt Nam góp phần không nhỏ cho mức tăng trưởng khủng này.
Nguồn nhân lực của ngành kỹ xảo không ngừng tăng lên và trẻ hóa khi nhiều bạn trẻ dần nhận ra tiềm năng to lớn của VFX bởi thời gian đào tạo ngắn, cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Chuyên viên kỹ xảo Nguyễn Minh Huệ cho biết hiện ngành VFX rất khát đội ngũ tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Trung tâm của ông “xuất xưởng” được học viên nào đều có công ty săn đón sẵn với mức đãi ngộ tốt. Thậm chí nhiều công ty, studio sẵn sàng hợp tác với các học viên xuất sắc dù họ chưa tốt nghiệp.
Nếu trước kia, các nhà làm phim phải lặn lội sang xứ người để làm khâu hậu kỳ, kỹ xảo thì giờ đây họ không cần phải đi đâu cả. Mọi hình ảnh phức tạp hay đại cảnh hoành tráng đều có thể cậy nhờ vào các chuyên viên VFX trong nước.
Có thể kể đến loạt phim được VFX “phù phép” đầy mãn nhãn như “Em và Trịnh”, “Hai Phượng”, “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Mắt biếc”. “Tết ở làng Địa Ngục”, “Thanh Sói”, “Chị chị em em 2”… Hay mới đây nhất là “Móng vuốt” của đạo diễn Lê Thanh Sơn. Đạo diễn Trần Hữu Tấn thừa nhận: “Những phim kinh dị như "Tết ở làng Địa Ngục", "Kẻ ăn hồn"…, tôi đều thực hiện kỹ xảo tại Việt Nam.
Trình độ của đội ngũ kỹ xảo trong nước không hề thua kém nước ngoài. Họ khiến tôi không chỉ hài lòng mà còn khá ngạc nhiên vì tay nghề rất chuyên nghiệp. Lợi thế của ngành VFX Việt chính là lực lượng trẻ hùng hậu, nhanh nhạy với công nghệ và chi phí rẻ so với nước ngoài”.
Chính lợi thế này đã giúp VFX Việt dần chuyển vị trí “Tây đánh thuê cho ta” (phim Việt gia công kỹ xảo ở nước ngoài) thành “Ta đánh thuê cho Tây”. Vài năm trở lại đây, nhiều bộ phim lớn ở nước ngoài liên tục xuất hiện những studio hậu kỳ, kỹ xảo đến từ Việt Nam. Gây sốt hồi tháng 4, phim truyền hình “Nữ hoàng nước mắt” (Hàn Quốc) có phần kỹ xảo do nhóm người Việt đảm nhận. Năm ngoái, “Hiệp sĩ áo đen” (Black knight) - siêu phẩm của Hàn Quốc lên sóng Netflix, khiến fan Việt nức lòng khi có gần 60 chuyên viên VFX Việt Nam góp mặt. Nhiều hiệu ứng 3D trong phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” do Bad Clay Studio thực hiện.
Trước đó, “Squid game” - bộ phim làm dậy sóng toàn cầu, cũng có sự chung tay của các “phù thủy hình ảnh” đến từ dải đất chữ S. Danh sách “bom tấn” của Hàn Quốc và Hollywood có sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ xảo người Việt còn có “The Glory 2”, “Jung-E”, "All of us are dead", “Star wars: The rise of skywalker”, “Transformers: The last knight”, “Avenger: Infinity war”, "Aquaman", "Captain Marvel"… Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi nó chứng tỏ tay nghề của đội ngũ VFX Việt đã lên tầm quốc tế.
Tuy vậy, những chuyến “đánh bắt xa bờ” này vẫn còn khá khiêm tốn so với thực lực của ngành kỹ xảo nước ta. Sự lớn mạnh của ngành kỹ xảo Việt đang đối mặt với nhiều rào cản. Chia sẻ tại Hội nghị VFX Việt - Pháp 2024 tổ chức hồi tháng 6, ông Lê Anh Dy - Chủ tịch Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam, cho hay VFX Việt đối mặt với nhiều thách thức liên quan vấn đề chất lượng phim Việt chưa tốt, kinh tế khó khăn, phải cạnh tranh với công ty nước ngoài.
Trước hết, nền điện ảnh trong nước - thị trường chính của VFX nội địa - dù phát triển mạnh nhưng số phim có kịch bản tốt và ưa chuộng kỹ xảo vẫn còn rất khiêm tốn. Giấc mơ “trăm tỷ” ở phòng vé trở nên xa vời khi số phim hòa vốn hay lãi đậm đếm chưa quá bàn tay trong khi mỗi năm có hàng chục phim Việt ra rạp. Để an toàn, nhà đầu tư vẫn ưu ái các đề tài dễ làm, ít dùng kỹ xảo như hài, tâm lý, tình cảm hơn là đề tài giả tưởng, hành động, quái thú...
Cú “ngã ngựa” mới đây của “Móng vuốt” - một bộ phim đầu tư mạnh khâu kỹ xảo - càng khiến nhà đầu tư e dè. Nếu có dùng kỹ xảo, kinh phí ê-kip rót cho studio cũng rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10% tổng chi phí làm phim. Trong khi đó phim nước ngoài thường dành đến 50% kinh phí cho kỹ xảo. Điều này dẫn đến thực trạng “tiền nào của đó” hay kỹ xảo kiểu “đầu voi đuôi chuột” ở phim Việt. Muốn phô diễn kỹ năng thượng thừa như ở “bom tấn” nước ngoài, các chuyên viên Việt cũng đành bó tay.
Khách hàng nội địa đã ít, ngành VFX Việt còn bị studio ngoại đóng tại Việt Nam cạnh tranh gay gắt. Theo ông Lê Anh Dy, hiện có hơn 30 studio của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… mở tại Việt Nam. Sở dĩ số studio ngoại ngày một nhiều vì nguồn nhân công bản địa rất rẻ. Mỗi studio ngoại dễ dàng quy tụ hàng trăm nhân sự trong khi studio Việt chỉ vài chục người. Ngoài quy mô lớn, các khâu của họ đều chuyên môn hóa cao nên giá thành cũng không quá chênh lệch so với studio nội. Không ít phim Việt có hầu bao khá dần tìm đến studio ngoại như “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ. Mức đãi ngộ cao và hàng loạt dự án quốc tế lớn trở thành hấp lực lôi kéo đội ngũ giỏi nghề đầu quân cho các studio ngoại.
Để tránh tình trạng VFX Việt thua ngay trên sân nhà, việc mở rộng hợp tác quốc tế đang được ráo riết đẩy mạnh. Thị trường hợp tác của các studio Việt hiện nay tập trung ở Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch và Trung Quốc. Nhìn lại các dự án quốc tế đình đám mà VFX Việt vinh dự tham gia, dễ nhận thấy đa số đều nhờ các studio tự thân vận động hoặc khách hàng tự tìm đến chứ chúng ta chưa có một đơn vị nào đảm nhận việc quảng bá ngành VFX ra nước ngoài. Tiềm năng của ngành kỹ xảo trong nước cần được một đơn vị hay hiệp hội quảng bá rộng rãi, kết nối với điện ảnh thế giới.
Hội nghị VFX Việt - Pháp 2024 mới đây là một trong những cầu nối để hai nền VFX của Việt Nam và Pháp hợp tác, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của VFX Việt trên toàn cầu. Hơn 50 studio hoạt động trong ngành công nghiệp VFX của Việt Nam và Pháp đã gặp gỡ, giao lưu để bàn về cơ hội hợp tác, phát triển bền vững. Những nội dung như nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ngành kỹ xảo tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các tài năng trẻ tiếp cận với những tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng cơ hội học tập và làm việc trong tương lai… được đưa ra thảo luận. Thông qua hội nghị, từ năm studio gồm Bad Clay Studio, AiƠi, Bonjour, VTC Academy và Amada TMT, ngành VFX Việt hy vọng số studio bắt tay với nền điện ảnh Pháp sẽ tăng lên.
Nói về vai trò của hợp tác quốc tế trong việc mở rộng thị trường VFX, ông Ming Pan, Giám đốc nghệ thuật VFX của Hollywood chia sẻ: “Rất nhiều hãng phim nước ngoài dần hướng đến các studio trẻ, năng động tại các quốc gia Đông Nam Á. Việc hợp tác này rất quan trọng vì nó cho phép các hãng phim tận dụng các tài năng từ khắp nơi trên thế giới, giúp cho hợp tác sản xuất phim đa quốc gia phổ biến hơn, khai thác các quan điểm sáng tạo đa dạng”. Với ngành kỹ xảo nội địa, chúng ta không chỉ học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề mà còn có cơ hội mở rộng thị trường, nâng tầm uy tín trên trường quốc tế để hiện thực hóa giấc mơ biến Việt Nam thành “xưởng gia công kỹ xảo” tương lai của thế giới.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nganh-ky-xao-day-manh-hop-tac-quoc-te-i737852/