Ngành làm đẹp thiếu nhân lực chất lượng cao
Thời gian qua, bức tranh ngành làm đẹp Việt Nam ghi nhận những điểm sáng và bước phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, vẫn rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông
Giới chuyên gia nhận định, thị trường làm đẹp Việt Nam rất tiềm năng với tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực. Nếu như năm 2000 có 100 thẩm mỹ viện & Beauty Salon, thì năm 2020 đã lên tới 5.000 các thẩm mỹ viện, Beauty Salon.
Các nhà nghiên cứu thị trường làm đẹp Việt Nam dự báo, năm 2025 sẽ có tới 10.000 các thẩm mỹ viện, Beauty Salon. Nghề làm đẹp thuộc top nghề hot, có mức thu nhập lý tưởng và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Nghiên cứu của Euromonitor International (tập đoàn nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh quốc) cho thấy, trong giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam sử dụng các sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên đến 86%. Dự kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường mỹ phẩm trong thời gian tới sẽ ở mức 15-20%.
Tuy vậy, tại diễn đàn "Thị trường ngành làm đẹp 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá, tăng trưởng bền vững" chiều ngày 19/4 tại Hà Nội, ông Hà Đình Bốn - Chủ tịch Hội đào tạo, Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam cho biết, nhu cầu làm đẹp bùng nổ đặt ra yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bức tranh ngành làm đẹp Việt Nam có các điểm sáng vì rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp tham gia nhưng rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Đào tạo trong ngành làm đẹp hầu hết đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Trong khi đó, thực tế cho thấy, nhân lực trong ngành lại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo một cách chính quy", ông Bốn nêu.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Oanh – Phó Chủ tịch Hội Đào tạo & Làm đẹp Việt Nam cho rằng, sự nở rộ của thị trường làm đẹp hiện nay đặt ra nhu cầu lớn về nguồn lực nhân sự chất lượng cao, được đào tạo bài bản.
Khách hàng có nhu cầu được chăm sóc bởi những kỹ thuật viên phải có kỹ năng, kiến thức về nghề, về an toàn sức khỏe, về mỹ phẩm, các hoạt chất làm đẹp.
Các cơ sở đào tạo và các cá nhân đào tạo đua nhau mọc lên mà không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền nên chất lượng đầu ra của chuyên viên còn non yếu.
Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ bao nhiêu % nhân sự ngành thẩm mỹ được đào tạo tại các đơn vị, tổ chức giáo dục đủ năng lực và được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chuyên môn.
Đặc biệt, theo bà Oanh, hoạt động đào tạo trong ngành làm đẹp hiện nay diễn ra chủ yếu dưới hình thức truyền nghề, nhân sự lâu năm dạy cho người mới, chủ yếu là tự dạy nhau. Các kỹ thuật viên phần nhiều học nghề từ chính các spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện…
Cần chính sách phát triển nguồn nhân lực
Từ thực trạng trên, theo ông Bốn, cần phải có định hướng, giải pháp rõ hơn để ngành làm đẹp phát triển lâu dài. Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đó quy định ngành nghề nào được làm ở phạm vi nào.
"Nhà nước cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, liên doanh phát triển, mở rộng thị trường, liên kết từ người có nhu cầu cho đến người cung cấp dịch vụ. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng phải gắn kết với nhau", Chủ tịch Hội đào tạo, Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam nêu.
Trong khi đó, để nâng tầm chất lượng ngành làm đẹp, theo bà Oanh, cần hệ thống pháp luật xuyên suốt từ trung ương đến các tỉnh, thành phố, sự phối hợp giữa các ban, ngành.
Cần có chiến lược rõ ràng, những bước đi bài bản và không ngừng đổi mới. Phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ từ khâu đào tạo, nghiên cứu, sản xuất hóa mỹ phẩm đạt chuẩn.
"Đào tạo chiếm vị trí then chốt để nâng tầm chất lượng nhân sự nghề làm đẹp trong thời điểm hiện tại và tương lai", Phó Chủ tịch Hội Đào tạo & Làm đẹp Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng trăn trở về bài toán đào tạo nhân lực, bà Lê Thị Duyên - Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Đào tạo, Giám đốc Viện thẩm mỹ Standard - Hiệu trưởng Trường Trung cấp công nghệ quốc tế ICT chia sẻ, câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành làm đẹp lúc nào cũng rất cần thiết. Đã từng xảy ra những tai biến, thậm chí tử vong do làm đẹp, gây lo ngại cho khách hàng và cơ quan quản lý. Việc đào tạo nhân lực cho ngành này ngày càng đòi hỏi chuyên môn hóa cao hơn.
"Do đó, chúng tôi mong muốn các hiệp hội, ban, ngành đưa ra định hướng cho hội viên chuẩn hóa, bảo đảm chương trình đào tạo với tỷ lệ 30% lý thuyết và 70% thực hành. Ngành làm đẹp chỉ được nâng tầm khi có sự chung tay của tất cả các bên", bà Duyên đề xuất.