Ngành lâm nghiệp Việt Nam sẵn sàng thích ứng với EUDR

Để xuất khẩu gỗ hay các sản phẩm như cà phê, cao su sang EU cần vượt qua được 'hàng rào' EUDR. Đây là một trong những thách thức mới đối với các doanh nghiệp Việt.

Ngành nông nghiệp trước thách thức EUDR

Ngày 23/6/2023, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, cacao và đậu) vào EU, nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí… Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2024.

Theo báo Đại Đoàn Kết, hiện Việt Nam có 3 mặt hàng quan trọng xuất khẩu vào EU là cà phê, gỗ và cao su, thì đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định EUDR. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 3 mặt hàng này của Việt Nam vào EU mỗi năm trên 2,5 tỷ USD.

Đơn cử như cao su, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng này đến hơn 80 quốc gia. Năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu thị phần, chiếm 79,6%, thứ hai là Ấn Độ 5,3%, thứ ba là EU với tổng lượng xuất khẩu đạt 66.472 tấn, chiếm 3,1% thị phần, giá trị đạt gần 94,3 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu gỗ cao su đem về 2,2 tỷ USD trong năm 2023. Sản phẩm cao su chế biến sâu đạt kim ngạch cao nhất, với 4,4 tỷ USD năm 2023, tăng 3,5% so với năm 2022.

Tuy không phải thị trường xuất khẩu dẫn đầu của toàn ngành cao su Việt Nam, song EU vẫn là khách hàng quan trọng đối với các nhóm ngành cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su chế biến sâu, do là thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa.

"Để đáp ứng yêu cầu trong Quy định của EU về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR), các sản phẩm như cao su muốn nhập khẩu vào thị trường EU cần được bảo đảm đã được thực hiện đầy đủ các quy định về Trách nhiệm giải trình (Due diligence), bao gồm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng lô đất sản xuất ra các hàng hóa đó”, báo Tin tức dẫn lời ông Hoàng Thành, đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.

Biến thách thức thành cơ hội

Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết, gỗ, cà phê và cao su là 3 mặt hàng chịu tác động trực tiếp của quy định EUDR, riêng ngành gỗ có nhiều thuận lợi hơn nhờ trước đây đã thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT, hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU và chứng chỉ FSC.

Do đó, ngành gỗ Việt xem quy định EUDR là cơ hội nhiều hơn là thách thức. Nếu thực hiện tốt, sản phẩm gỗ của Việt Nam đi vào thị trường châu Âu sẽ tăng cao, trong khi thị trường này đang còn nhiều khoảng trống đối với ngành gỗ Việt, bởi hiện nay đồ gỗ của Việt Nam nhập vào thị trường này chỉ chiếm 1,9% trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng gỗ của EU. Hơn nữa, hiện nhiều quốc gia đang phản đối EUDR, nếu Việt Nam tuân thủ thì hàng hóa sẽ rộng đường vào thị trường EU.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hoài, hiện còn rất nhiều vướng mắc mà các doanh nghiệp cần được hướng dẫn cụ thể để tuân thủ quy định EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực đàm phán với EU để tháo gỡ những vướng mắc. Cục Lâm nghiệp đang chuẩn bị có bản đồ mềm rừng của Việt Nam trước ngày 30/12/2020 để làm cơ sở đối chứng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Hoài đơn cử những cái khó mà ngành gỗ Việt phải đối mặt khi thực hiện quy định EUDR, đó là việc cung cấp thông tin về tọa độ địa lý của những cánh rừng khai thác nguyên liệu gỗ cao su để chế biến thành sản phẩm xuất sang thị trường EU. Đáng lo nhất là những chủ rừng có diện tích nhỏ, thậm chí chỉ vài nghìn mét vuông thì không biết cung cấp thông tin kiểu nào

“Một cái khó khác là Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 100 quốc gia. Nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là mùn cưa của các hoạt động chế biến gỗ, trong đó có mùn cưa các loại gỗ rừng trồng trong nước keo, bạch đàn, cao su; lại cũng có mùn cưa của gỗ nhập khẩu từ Mỹ, châu Phi. Như vậy khi xuất khẩu viên nén thì doanh nghiệp Việt làm thế nào để có được hồ sơ tọa độ địa lý vùng nguyên liệu của rất nhiều nơi như thế. Vấn đề này Việt Nam cũng đã đặt câu hỏi với EU và họ cũng hứa là sẽ giải quyết”, ông Ngô Sĩ Hoài chia sẻ.

Với đất trồng cà phê, đây đa phần là đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ sử dụng lâu dài. Mặc dù có tới 40% diện tích đất trồng cà phê tại Việt Nam đã được cấp chứng chỉ sản xuất bền vững, nhưng có những diện tích mở rộng trên nền đất rừng kể từ sau năm 2003 đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất.

Với ngành cao su, tổng diện tích cây cao su tại Việt Nam hiện khoảng 918.000 ha, với khoảng 300.000 hộ tiểu điền tham gia trồng trên diện tích và lượng cung chiếm trên 50% trong tổng diện tích và tổng lượng cung của toàn ngành. Còn lại là do gần 100 công ty Nhà nước chủ yếu thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam và UBND các địa phương. Đất giao cho các công ty cao su Nhà nước hầu hết đã có “sổ đỏ”, nhưng hiện chưa có thông tin về tình trạng giấy chứng nhận sử dụng đất của hộ trồng cao su.

"Cả ba ngành hàng cà phê, gỗ, cao su có đặc điểm chung khá tương đồng. Nông hộ đóng vai trò chủ đạo trong khâu đầu của chuỗi; đất sản xuất tương đối manh mún; chuỗi cung thường dài, với nhiều bên tham gia", ông Phúc thông tin.

Vào tháng 6/2023, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Khung Kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành nông nghiệp, nhằm đáp ứng EUDR. Tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đưa ra các đề nghị đến cơ quan EC: Công bố quy trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR, ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn để có kế hoạch thích ứng kịp thời; có giải pháp giảm thiểu chi phí trong thực thi EUDR…

Để thích ứng với EUDR, theo ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội đã và đang tham khảo một số phương pháp được phát triển bởi các ngành hàng, quốc gia khác trên thế giới như lập bản đồ số và khả năng truy xuất nguồn gốc đến cấp độ vườn cây, số hóa chặng đường đầu tiên của chuỗi giá trị nông nghiệp... có thể đặt nền tảng cho các biện pháp can thiệp bền vững toàn diện.

Hiệp hội Cao su Việt Nam đề xuất Bộ NN&PTNT tăng cường kiến nghị với EU về lộ trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR, ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho các ngành hàng bị ảnh hưởng, trong đó có ngành cao su, để có kế hoạch thích ứng kịp thời.

Cùng với đó, Hiệp hội cũng đề nghị Nhà nước nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực hộ tiểu điền cao su trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc. Đây là những giải pháp cấp bách để “gỡ hàng rào” EUDR trong thời gian tới.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nganh-lam-nghiep-viet-nam-san-sang-thich-ung-voi-eudr-a666960.html