Ngành lâm sản thích ứng với EUDR

Từ ngày 30/12/2024, các mặt hàng nông sản của Việt Nam trong đó có đồ gỗ nhập khẩu vào thị trường châu Âu (EU) sẽ không được chấp nhận nếu không chứng minh được sản phẩm không liên quan đến phá rừng.

Những rừng cao su được trồng tại Bình Dương. Ảnh: Nam Anh.

Những rừng cao su được trồng tại Bình Dương. Ảnh: Nam Anh.

Ngày 23/6/2023, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, cacao và đậu) vào EU, nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí… Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2024.

Hiện, Việt Nam có 3 mặt hàng quan trọng xuất khẩu vào EU là cà phê, gỗ và cao su, thì đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định EUDR. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 3 mặt hàng này của Việt Nam vào EU mỗi năm trên 2,5 tỷ USD. Tại diễn đàn đối thoại Công tư về các quy chuẩn xanh hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu, bao gồm đánh thuế carbon (CBAM) và chống phá rừng (EUDR), diễn ra tại TPHCM tuần qua, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng, thời gian để Việt Nam chuẩn bị nhằm tuân thủ quy định của EU đang rất gấp rút.

Đánh giá về sự ảnh hưởng của EUDR đến ngành cao su Việt Nam, ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, các diện tích cao su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không ngại đối mặt với các yêu cầu của EUDR. Bởi lẽ các diện tích này đã được trồng cao su từ lâu, đất đai có nguồn gốc, ranh giới rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất.

Theo ông Ngô Sĩ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ nước nhà cần xem quy định EUDR là cơ hội nhiều hơn là thách thức. Bởi, nếu thực hiện tốt, sản phẩm gỗ của Việt Nam đi vào thị trường châu Âu sẽ tăng cao, trong khi thị trường này đang còn nhiều khoảng trống mà các DN xuất khẩu gỗ Việt có thể lấp đầy. Hiện nay đồ gỗ của Việt Nam nhập vào thị trường này chỉ chiếm 1,9%, trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng gỗ của EU. Nếu Việt Nam tuân thủ thì sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ rộng cửa vào thị trường EU.

Theo ông Hoài, các DN cần được hướng dẫn cụ thể để tuân thủ quy định EUDR, cùng với đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tích cực đàm phán với EU để tháo gỡ những vướng mắc.

Với ngành cao su, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, để thích ứng với EUDR, Hiệp hội đã tham khảo một số phương pháp đang được phát triển bởi các ngành hàng, quốc gia khác trên thế giới. Đó là, lập bản đồ số và khả năng truy xuất nguồn gốc đến cấp độ vườn cây, số hóa chặng đường đầu tiên của chuỗi giá trị nông nghiệp có thể đặt nền tảng cho các biện pháp can thiệp bền vững toàn diện.

Hiệp hội Cao su Việt Nam đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiến nghị với EU về lộ trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR, ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho các ngành hàng bị ảnh hưởng, trong đó có ngành cao su, để có kế hoạch thích ứng kịp thời. Đồng thời đề nghị Nhà nước nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ DN và nâng cao năng lực hộ tiểu điền cao su trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc.

NAM ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-lam-san-thich-ung-voi-eudr-10282607.html