Ngành logistics có 89% doanh nghiệp nội nhưng chỉ chiếm 30% thị phần

Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần, còn lại 'miếng bánh' thị trường logistics trong nước dành cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tìm giải pháp phát triển ngành logistics

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Logistics Vùng Đồng bằng Sông Hồng” do trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức hôm 16/12, PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Vùng Đồng bằng Sông Hồng (gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) là khu vực địa - kinh tế quan trọng của cả nước.

Chiếm 6,4% diện tích và 23,5% dân số cả nước (gần 23 triệu người), vùng này có quy mô giá trị tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 chiếm gần 31% tổng GDP cả nước, xếp thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ, tốc độ trưởng GRDP thời kỳ 2011-2022 bình quân gần 8%/năm.

Hiện toàn vùng có hơn 9.500 dự án FDI còn hiệu lực với hơn 100 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 số dự án và hơn 28% tổng vốn FDI của cả nước; có 251 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 92 KCN đang hoạt động (đứng sau vùng Đông Nam Bộ với 114 KCN), chiếm 26,6% tổng số KCN đang hoạt động trong cả nước.

Toàn vùng cũng có hơn 38.300 doanh nghiệp công nghiệp hoạt động, chiếm 26% tổng số doanh nghiệp công nghiệp cả nước, đứng thứ hai sau vùng Đông Nam Bộ (51.000 doanh nghiệp), trong đó 93% là doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, Vùng Đồng bằng Sông Hồng là một trong những vùng có mức độ phát triển kết cấu hạ tầng tốt của cả nước. Hiện đã đưa vào khai thác 09 tuyến cao tốc với chiều dài 580 km; 25 tuyến quốc lộ, dài 2.133 km; có 3 cảng hàng không quốc tế là Vân Đồn, Nội Bài, Cát Bi; 4 cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình; 6 tuyến đường sắt quốc gia; 37 tuyến đường thủy nội địa; 9 cảng cạn (ICD).

Vùng Đồng bằng sông Hồng có 26/75 trung tâm logistics, chiếm gần 35% tổng số trung tâm logistics trên toàn quốc.

PGS. TS Bùi Tất Thắng trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: M.Minh)

PGS. TS Bùi Tất Thắng trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: M.Minh)

Tuy vậy, ông Thắng cho rằng, mức độ phát triển hệ thống logistics ở khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều; diện tích đất dành cho việc xây dựng bến bãi, kho vận chật hẹp, khó khăn; các cảng cạn trong vùng hầu hết có diện tích nhỏ (chủ yếu dưới 10 ha), chưa có các trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng, chưa kết nối trực tiếp với các cảng biển, nên tỷ lệ sử dụng cảng cạn còn thấp; nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao trong lĩnh vực logistics còn thiếu và yếu; chưa đáp ứng được yêu cầu logistics xuyên biên giới trong điều kiện hội nhập sâu và mở cửa nền kinh tế hiện nay...

"Những yếu kém trên dẫn đến điểm yếu cốt lõi nhất là chất lượng dịch vụ chưa cao mà chi phí logistics vẫn còn cao, góp phần làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam thấp. Hiện chi phí logistics ở Việt Nam tương đương khoảng 16,8% GDP (năm 2022); trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ tương ứng chỉ khoảng 7-9% GDP", ông Thắng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, GS.TS Đặng Đình Đào, giảng viên logistics của Đại học Kinh tế quốc dân nêu thực trạng, Hà Nội là thủ đô của cả nước nhưng chưa hề có khu công nghiệp logistics, chưa có bất động sản logistics nào để thu hút đầu tư logistics; trong khi đã có 10 khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt động, 3 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và định hướng đến năm 2030, thành phố được quy hoạch 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 7.074 ha.

"Điều này làm thất thu dịch vụ logistics, dịch vụ hải quan... và làm tăng chi phí logistics, giảm khả năng cạnh tranh các sản phẩm của doanh nghiệp", ông Đào cho hay.

GS.TS Đặng Đình Đào phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: M.Minh)

GS.TS Đặng Đình Đào phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: M.Minh)

Theo thống kê, nhân tố đóng góp chính khiến chi phí logistics của Việt Nam đang cao là chi phí vận tải, chiếm tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác.

Đồng bằng sông Hồng có vị thế quan trọng như đã trình bày ở trên, do đó còn rất nhiều dư địa cho phát triển logistics. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia,...

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần, còn lại “miếng bánh” thị trường logistics trong nước dành cho doanh nghiệp nước ngoài.

Đến năm 2030 cần 2,2 triệu nhân lực ngành logistics

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng,Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, để phát triển ngành logistics tại Việt Nam hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên như các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là các trường đại học, với vai trò cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành cho xã hội.

Nêu giải pháp, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 bình quân khoảng 9%/năm; đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), thì cần chú trọng phát triển các giải pháp logistics.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Cụ thể, cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống logistics của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hiện đại hóa đường sắt, dành nguồn lực đất đai ưu tiên phát triển bất động sản logistics, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho ngành này...

"Đặc biệt, cần chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực bởi thực trạng đào tạo logistics hiện còn đang gặp nhiều rào cản: đội ngũ giáo viên hạn chế (chủ yếu từ ngành khác chuyển sang, chưa được đào tạo bài bản), chương trình chưa thống nhất (mã ngành logistics nằm trong ngành Quản lý Công nghiệp)...", vị chuyên gia nêu.

Năm 2022, Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam dự báo, đến năm 2030, ngành logistics ở nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các đơn vị đào tạo chỉ có 2.500 sinh viên, học viên mỗi năm.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.

(Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)

Từ góc độ đào tạo, TS. Đào Trường Thành, Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị, trường Đại học Thủ đô Hà Nội (một trong những cơ sở đào tạo chính quy chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng sớm nhất cả nước - từ năm 2017) nhận định, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ, nhân sự logistics chỉ có khoảng 10% đáp ứng được yêu cầu, trong đó chỉ 7% là qua đào tạo chính quy, bài bản.

"Thực trạng nhân sự như vậy là vừa yếu vừa thiếu. Một trong những nguyên nhân doanh nghiệp khó tuyển nhân sự logistics chất lượng cao là do thực trạng đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế", ông Thành nêu quan điểm.

TS. Đào Trường Thành - Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị, trường Đại học Thủ đô Hà Nội

TS. Đào Trường Thành - Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị, trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Cụ thể, đến đầu năm 2023, cả nước mới chỉ có 49 trường đại học đào tạo đúng chuyên ngành logistic và số lượng sinh viên vào học chuyên ngành này chưa nhiều.

Điều đáng nói, sinh viên lại chưa được trang bị tốt kiến thức chuyên sâu về tài chính ngân hàng, đặc biệt là những kiến thức về công nghệ thông tin. Do đó khi tiếp cận tới những vấn đề thiết kế và quản lý hệ thống, xử lý phát sinh về mảng tài chính ngân hàng trong quá trình ứng dụng Fintech, những sinh viên này sẽ gặp rất nhiều khó khăn...

Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự ngành logistics, theo GS.TS Đặng Đình Đào, cần tập trung vào 3 mảng: đào tạo cán bộ logistics trong các cơ quan quản lý, bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ logistics trong các doanh nghiệp ngành này và đào tạo cán bộ phụ trách logistics tại các doanh nghiệp sản xuất để đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp.

"Đặc biệt, trong bối cảnh thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần chú ý cả quá trình "logistics ngược", nghĩa là xử lý sản phẩm tái chế, sản phẩm trả lại và điều này cũng cần có sự đào tạo bài bản, ông Đào nói.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-logistics-co-89-doanh-nghiep-noi-nhung-chi-chiem-30-thi-phan-post336106.html