Ngành logistics Việt Nam vẫn 'thăng hạng' trong mùa dịch

Trong đợt dịch vừa qua, ngành logistics đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, giới chuyên gia đánh giá, ngành logistics Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển trong tương lai.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành nghề trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam và dịch vụ logistics cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng, so với các ngành nghề như vận tải hành khách, hàng không, du lịch, thì sự ảnh hưởng của đại dịch đối với ngành logistics không quá tiêu cực.

Nhiều giải pháp ứng phó trong mùa dịch

Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2021, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ lệ số doanh nghiệp lĩnh vực vận tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.

Cũng trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của cả nước.

Đồng thời có 571 số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.

Có thể nói, trong suốt năm 2021, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã để lại một số ảnh hưởng đối với ngành logistics. Tại thời điểm này, vận tải hàng hóa bị gián đoạn nhiều do các quy định về điều kiện đi đường, lệnh phong tỏa, giãn cách ở các địa phương làm hàng xuất từ kho tới cảng cũng bị chậm, ùn ứ, giảm năng lực xếp dỡ của các doanh nghiệp cảng,…

Bên cạnh đó, sản lượng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics giảm đáng kể do tình hình kinh doanh của khách hàng gần như bị tê liệt, khách hàng giảm diện tích thuê, đề nghị giảm giá dịch vụ do không bán được hàng.

Theo báo cáo của Vietnam Report, dưới tác động của đại dịch, ngành logistics còn gặp khó khăn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới sự mất cân đối cung - cầu, tình trạng thiếu lao động và các điều kiện hoạt động thuận lợi khác.

Nhiều doanh nghiệp tiết lộ, họ đã gặp không ít khó khăn do hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày do kiểm soát biên giới, hạn chế thương mại tới các nước có dịch.

Ngoài ra, do phía cung ứng cũng chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa nên lượng đơn hàng của trên 53% số doanh nghiệp đã giảm sút đáng kể.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó, như cắt giảm lương, hoặc giờ làm việc của nhân viên; cắt giảm chi phí không cần thiết; đàm phán điều khoản thanh toán cho chi phí đầu vào và chi phí khác, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, hiện nay, logistics đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với mức tăng trung bình 14 - 16% mỗi năm và đóng góp vào GDP từ 4 - 5%. Hiện cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong đó có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp.

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam hiện xếp thứ 39/160 quốc gia và xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là thứ hạng cao nhất của Việt Nam từng đạt được.

Logistics là những “mạch máu”của nền kinh tế

“thăng hạng” trong mùa dịch, tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam còn đang gặp rất nhiều trở ngại đã tồn tại rất lâu, và là điểm yếu của ngành logistics Việt Nam.

Thứ nhất, các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn chưa có thực lực, chưa có phương tiện. Ví dụ Việt Nam không có hãng tàu biển nào lớn có thể vận chuyển hàng xuyên lục địa.

Việc khai thác logistics chủ yếu dựa vào hạ tầng cầu cảng do dó phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài. Thông thường, các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, đơn nhất của trong chuỗi dây chuyền cung ứng với giá trị gia tăng thấp.

Thứ hai, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Chưa kể, doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.

Thứ ba, doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics gây ra nhiều vấn đề trong quá trình hoạt động.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp logistics cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hầu hết trong các khâu.

“Việc tăng cường ứng dụng công nghệ với những tiến bộ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được đa số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ làm thay đổi ngành logistics nhiều nhất với những lợi ích hàng đầu như tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí, cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao hiệu quả theo dõi logistics và quản lý vòng đời sản phẩm và củng cố hệ thống vận hành”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.

Ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Dù vậy, đứng trước những khó khăn của ngành logistics đã và đang hiện hữu, ông Nguyễn Hồng Diên đã đề cập tới 5 nhóm giải pháp “tháo gỡ” khó khăn.

Thứ nhất, ông Diên đề nghị tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistics.

Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp logistics đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghệ lần thứ Tư, nhằm thúc đẩy tự động hóa tối đa các quy trình hoạt động, giúp hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất và cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng trong điều kiện nhân lực hạn chế và thị trường có nhiều biến động.

Thứ ba, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị triển khai các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; kết nối các phương thức vận tải; xúc tiến thành lập các khu thương mại tự do, tạo điều kiện cho các địa phương có lợi thế phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn…

Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.

Cuối cùng, ông Diên cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics theo hướng giảm thiểu thủ tục kiểm tra tại khâu nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm và minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành logistics Việt Nam phát triển”, ông Diên nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nganh-logistics-viet-nam-van-thang-hang-trong-mua-dich-post173631.html