Ngành manga Nhật Bản tìm đến AI để chống vi phạm bản quyền

Ngành công nghiệp manga hiện trị giá 14 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này sẽ còn lớn hơn nếu không bị nhiều trang web trực tuyến làm rò rỉ nội dung trái phép, theo NHK.

Các bản dịch trái phép được tung lên mạng ước tính tiêu tốn của các nhà xuất bản Nhật Bản tới 5 tỷ USD/năm đồng thời làm giảm thu nhập của các họa sĩ truyện tranh sống dựa vào tiền bản quyền. Những kẻ vi phạm bản quyền chủ yếu lợi dụng độ trễ trong việc dịch các tác phẩm để đưa bản dịch của chúng lên mạng trước khi bản được cấp phép ra mắt.

Trong khi đó, nhu cầu dịch thuật manga hiện đã vượt xa nguồn cung. Tại chi nhánh New York của hiệu sách Nhật Bản Kinokuniya, những người hâm mộ manga lùng sục trên kệ để tìm những phần dịch mới nhất. Nhưng chỉ một phần nhỏ các đầu truyện tranh Nhật Bản được dịch. Do vậy, cửa hàng phải làm thông báo cho khách hàng những manga nào chưa được phát hành bằng tiếng Anh.

Nagai Yasunobu, quản lý hiệu sách Kinokuniya New York, cho biết manga đang ngày càng phổ biến và nếu xu hướng này tiếp tục, cần dịch thêm rất nhiều tác phẩm.

 Một độc giả quan tâm tới truyện tranh tại hiệu sách Kinokuniya New York. Ảnh: NHK.

Một độc giả quan tâm tới truyện tranh tại hiệu sách Kinokuniya New York. Ảnh: NHK.

AI giải cứu

Trước tình hình này, Mantra, một công ty khởi nghiệp ở Tokyo, đang đặt niềm tin vào trí tuệ nhân tạo (AI). Họ đã phát triển một hệ thống AI tối tân chuyên dịch truyện tranh đa ngôn ngữ. Với hệ thống này, một bộ manga thường mất một tháng hoặc hơn để dịch có thể được chuyển ngữ chỉ trong hai ngày. Hệ thống này có thể nhanh chóng đưa các tập mới nhất đến tay người hâm mộ và từ đó, có thể là một vũ khí mạnh mẽ chống lại nạn vi phạm bản quyền.

Hiện nay, Mantra đang chạy đua để giúp các nhà xuất bản ra mắt truyện tranh nhanh chóng nhằm theo kịp nhu cầu quốc tế. Hệ thống này tiến hành quét ấn bản điện tử của tác phẩm gốc, bỏ tiếng Nhật khỏi ô hội thoại và nhập văn bản dịch trong vài phút. Sau đó, các nhà thiết kế và biên tập viên chỉ cần tinh chỉnh lại.

Với triển vọng này, người đồng sáng lập kiêm CEO của Mantra, Ishiwatari Shonosuke, hy vọng sẽ phát huy được nhiều hơn khả năng của hệ thống AI mới. Ông Shonosuke nói: "Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ đưa manga bằng nhiều ngôn ngữ đến tay độc giả ngay sau khi bản gốc được ra mắt. Đó chính là điều chúng tôi đang theo đuổi".

Hiện tại, hệ thống AI này đang được tiếp tục nâng cấp do đôi khi vẫn gặp khó khăn trong việc xác định và thêm các từ chủ ngữ như "tôi", "bạn", "anh ấy" và "cô ấy", những từ thường bị lược bỏ trong nguyên bản tiếng Nhật.

 Hệ thống AI của Mantra đang bước đầu cho thấy hiệu quả. Ảnh: NHK.

Hệ thống AI của Mantra đang bước đầu cho thấy hiệu quả. Ảnh: NHK.

Người hâm mộ muốn đọc manga bằng tiếng mẹ đẻ

Trung tâm thương mại Akihabara (Tokyo) được coi là trụ sở của thế giới manga và anime Nhật Bản. Nhiều du khách nước ngoài đến đó với hy vọng tìm được sách bằng tiếng mẹ đẻ của họ, nhưng thường phải sử dụng chức năng dịch của điện thoại thông minh để hiểu.

Một người hâm mộ trẻ đến từ Mỹ cho biết thường mua ấn bản tiếng Nhật và đọc chúng bằng điện thoại thông minh. Nhưng nhiều nội dung không được diễn tả sát nội dung gốc.

Người hâm mộ này cho biết sẽ đánh giá cao hơn các tác phẩm nếu có thể đọc phiên bản tiếng Anh thay vì "bản dịch chất lượng kém" trên điện thoại.

 Độc giả hiện phải đọc các bản dịch kém chất lượng trên điện thoại. Ảnh: NHK.

Độc giả hiện phải đọc các bản dịch kém chất lượng trên điện thoại. Ảnh: NHK.

Và không chỉ những người sử dụng tiếng Anh cảm thấy thất vọng. Một người hâm mộ manga trẻ tuổi đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết chỉ những tác phẩm nổi tiếng nhất mới được dịch sang tiếng Quan Thoại. Người hâm mộ này cũng mong muốn có nhiều tác phẩm manga bằng ngôn ngữ của mình.

Bản thân CEO Ishiwatari của Mantra, có cha là người Nhật và mẹ là người Trung Quốc, cũng tin rằng việc dịch nhiều manga sang tiếng Quan Thoại không chỉ tốt cho lợi nhuận. Ông cho rằng việc cho nhiều người Trung Quốc xem manga sẽ khiến họ hiểu hơn về văn hóa Nhật Bản và đưa hai đất nước xích lại gần nhau hơn.

Cấp thiết cần các bản dịch hợp pháp

Các chuyên gia cho rằng việc đẩy nhanh ra mắt bản dịch hợp pháp sẽ giúp giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền. Hirai Yuki, luật sư tại văn phòng luật Sakurazaka, người từng làm nhiều vụ vi phạm bản quyền trong ngành xuất bản, nói rằng việc nhanh chóng đưa các bản dịch chính thức lên mạng bằng nhiều ngôn ngữ sẽ nhắm trực tiếp vào các trang web bất hợp pháp.

Ông nói rằng độc giả luôn tìm kiếm những nội dung có sẵn, vì vậy các nhà xuất bản “cần ngăn chặn điều này bằng cách phát hành càng nhiều bản dịch chính thức càng nhanh càng tốt”.

Hệ thống của Mantra hiện có thể dịch manga sang 18 ngôn ngữ. Các công ty khác trong ngành cũng đang tìm cách đẩy nhanh quá trình dịch thuật bằng AI.

Việc các công ty sử dụng AI trong dịch thuật có thể giúp giảm chi phí nhân lực cần thiết cho mảng này, do đó, độc giả cũng hy vọng sự tham gia của AI có thể giúp giảm giá manga.

Tuy nhiên, về phía dịch giả, không phải ai cũng tin rằng AI đã sẵn sàng đảm nhận vai trò then chốt mới. Kamimura Saki, chủ tịch Hiệp hội Dịch giả Nhật Bản, cho biết ông nghi ngờ AI có thể nắm bắt đúng nội dung hay chi tiết độc đáo của từng tác phẩm. Kamimura cho biết tổ chức của ông không hẳn phản đối việc sử dụng AI, nhưng ông cho rằng AI có một số hạn chế.

"Chúng tôi băn khoăn liệu AI có thể đảm bảo chất lượng hay không. Chúng tôi đã quan sát cách tất cả trang web vi phạm bản quyền sử dụng AI trong bản dịch của họ. Nếu ngành manga Nhật Bản bắt đầu làm điều tương tự, chúng tôi tự hỏi làm thế nào các nhà xuất bản có thể duy trì mức chất lượng cao hơn các trang web vi phạm bản quyền," ông nói.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/nganh-manga-nhat-ban-tim-den-ai-de-chong-vi-pham-ban-quyen-post1488131.html