Ngành mía đường: Làm sao để 'sống khỏe' trong hội nhập?

Sau Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, một lượng lớn đường giá rẻ từ các nước trong khu vực đã ồ ạt vào Việt Nam, khiến ngành đường trong nước lao đao. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, giá đường rẻ là do nhiều nước vẫn đang nhận được sự trợ cấp từ Chính phủ. Do đó, để 'cứu' ngành đường trong nước và người trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế.

Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại?

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Bên cạnh đó, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar cũng gia tăng..

Ngành mía đường phải tìm cách “sống khỏe” trong hội nhập

Ngành mía đường phải tìm cách “sống khỏe” trong hội nhập

Nếu như trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020-2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. So với niên vụ 2019-2020, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan. Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.

Cụ thể, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ cho ngành đường ít nhất là 1,3 tỉ USD mỗi năm. Trong đó khoảng trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua Hệ thống bình ổn giá đường (Price Pooling System), tức là tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Khoảng 500 đến 525 triệu USD được dùng để thanh toán trực tiếp cho người trồng mía. Đó là chưa kể đến việc các nhà sản xuất mía đường trong nước được hưởng lợi đầy đủ từ các khoản vay có lãi suất thấp và các khoản trợ cấp đầu vào như tất cả các ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới”, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường cho biết, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO). Và có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, cũng như có mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

“Để “cứu” ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống”, ông Lộc cho hay.

Trước ý kiến trên, theo đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), hiện Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. “Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài”, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại cho hay.

Tái cơ cấu con đường tốt nhất cho ngành mía đường

Có thể nói, sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, với việc xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu và giảm thuế nhập khẩu, nhiều ngành hàng của Việt Nam, trong đó có ngành hàng mía đường, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các hàng hóa sản xuất trong ASEAN.

Tuy nhiên, một câu hỏi đã và đang nhận được quan tâm bởi các nhà hoạch định và thực thi chính sách, đó là: “Vì sao ngành mía đường có 15 năm chuẩn bị trước khi hội nhập nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện Hiệp định ATIGA? Làm thế nào để tăng cường năng lực cạnh tranh và bảo vệ được ngành mía đường của Việt Nam?.

Trước câu hỏi này nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém khiến chi phi vận chuyển, thu hoạch gặp khó. Trong khi đó, với nền sản xuất manh mún, thiếu sự tham gia của các công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa,…dẫn đến năng suất của ngành mía đường thấp. Tình trạng này đẩy giá đường trong nước lên cao và khó cạnh tranh được với đường ngoại nhập.

Trong khi đó, sau khi hội nhập kinh tế, ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt với nhiều đối thủ lớn như Thái Lan, Indonesia, Philippines…“Trong bối cảnh này, chúng ta không thể trốn tránh hội nhập mà phải đương đầu và tìm cách để sống “khỏe” trong hội nhập”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ.

Đề cập đến giải pháp để ngành mía đường trong nước trước tình hình mới, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng, lẫn khâu chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. “Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Minh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, bên cạnh các giải pháp trước mắt liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định chung của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cần tập trung vào một số giải pháp có tính chất lâu dài nhằm hạ giá thành sản xuất trong nước như rà soát, quy hoạch lại các vùng sản xuất mía nguyên liệu theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên của từng vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất mía nguyên liệu; tiếp tục sắp xếp lại và tổ chức tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả khâu chế biến đường…

“Ngoài các giải pháp trên, ngành mía đường cần xây dựng hệ thống dữ liệu và cập nhật thông tin thị trường thế giới và khoa học công nghệ trong lĩnh vực để chủ động điểu chỉnh cơ cấu sản phẩm và tham gia vào các giao dịch thị trường khi có cơ hội và đủ điều kiện”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Minh cho hay./.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nganh-mia-duong-lam-sao-de-song-khoe-trong-hoi-nhap-116335.html