Ngành mía đường: Nguy cơ thiếu hụt trầm trọng từ thế giới đến Việt Nam

Bất chấp những dự báo về tăng trưởng, tình hình nguồn cung lương thực, đặc biệt là đường trên thế giới hiện vô cùng khó đoán. Đặc biệt, tình trạng đường thiếu hụt dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu được ghi nhận tại nhiều quốc gia gần đây đang đặt ra mối lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường tại Việt Nam.

Từ nguy cơ thiếu hụt đường trên thế giới

Tính tới hết tháng 5/2023, thị trường đường thế giới chứng kiến những sự thay đổi khó lường, đặc biệt là việc giá đường thế giới vượt đỉnh 10 năm. Cụ thể, giá đường trong tháng 5/2023 đạt mức 23,6 US Cent/pound, tăng 24% so với đầu năm nay.

Nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt sau khi một số quốc gia sản xuất đường lớn nằm ở Bắc bán cầu thông báo sản lượng thấp hơn dự kiến. Theo đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh giảm dự báo lượng đường dư cung trên thế giới trong niên độ 2022-2023 từ 6,2 triệu tấn trong tháng 11/2022 xuống 4,2 triệu tấn trong tháng 2/2023. Song song đó, những cường quốc về mía đường như Ấn Độ, Brazil cũng cho thấy sự suy giảm về sản lượng đường khi Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính sản lượng đường sản xuất cho niên độ 2022-2023 chỉ đạt 34 triệu tấn, thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo gần nhất và giảm 5% so với cùng kỳ niên độ trước.

Sản lượng đường tại Ấn Độ - cường quốc về mía đường giảm mạnh trong niên vụ 2022-2023

Để đảm bảo nguồn cung nội địa, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong niên vụ 2022-2023, giảm mạnh so với mức kỷ lục gần 12 triệu tấn trong niên vụ trước. Bên cạnh đó, Hiệp hội Thương mại đường Ấn Độ nhấn mạnh việc xuất khấu đường sẽ vào tháng 12/2023 sau khi tính đến ước tính sản lượng sơ cấp cho vụ mới từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024. Làn sóng bảo hộ lương thực này được dự đoán sẽ diễn ra gay gắt hơn nữa tại hàng loạt quốc gia xuất khẩu đường lớn khác như Thái Lan, Trung Quốc, Mexico, Pakistan và châu Âu.

Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu liên tục gia tăng cũng đặt ra mối lo ngại về việc đẩy giá năng lượng tăng. Theo đó, từ ngày 1/3/2023, Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã quay lại đánh thuế đối với xăng và Ethanol khiến tỷ trọng mía dành cho sản xuất nhiên liệu sinh học tăng lên, gián tiếp khiến sản lượng đường thu hẹp.

Tại Thái Lan, nước này cũng báo cáo sụt giảm sản lượng đường trầm trọng, niên vụ 22/23 chỉ đạt 8.5 triệu tấn, giảm 15% so với vụ trước. Dự kiến niên vụ sau sản lượng sẽ tiếp tục suy giảm do thời tiết thất thường, đô thị hóa và nông dân chuyển đổi mía sang trồng mì.

Trong nửa cuối năm nay, trước tình hình thời tiết El Nino chắc chắn xảy ra (Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ), Brazil có thể sẽ hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, ngược lại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán, tác động tiêu cực đến sản xuất mía đường. Triển vọng nguồn cung ngành mía đường dự đoán sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu rộng, đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

… đến lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường tại Việt Nam

Trước tình hình nguồn cung lương thực, đặc biệt là đường trên thế giới hiện vô cùng khó đoán, đặc biệt, tình trạng đường thiếu hụt dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu được ghi nhận tại nhiều quốc gia gần đây đang đặt ra mối lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), năm 2023, dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu người. Là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, mức tiêu thụ đường nội địa của Việt Nam được USDA đánh giá ở mức từ 2,3 - 2,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên theo số liệu từ Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), hiện sản lượng đường trong nước niên độ 2022-2023 ước tính chỉ đạt 871 nghìn tấn. Điều này có nghĩa sản lượng đường trong nước dự kiến sẽ chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023.

Tuy không phải là quốc gia nhập khẩu đường thuộc top đầu thế giới nhưng với sức ép ngày càng gia tăng về nhu cầu tiêu thụ đường, rõ ràng Việt Nam đang đứng trước những khó khăn nhất định khi lượng đường sản xuất trong nước không đủ đáp ứng đi kèm việc bổ sung nguồn cung từ nhập khẩu ngày càng khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đường là nguyên liệu đầu vào cho một loạt ngành sản xuất thực phẩm. Bước vào Quý III và IV với nhu cầu tăng cao về sản xuất thực phẩm đáp ứng thị trường Tết Trung Thu và chuẩn bị Tết Nguyên Đán ngay sau đó, nguồn cung về đường chắc chắn sẽ là một áp lực mà các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nước giải khát phải đối mặt. Đặc biệt là trong giai đoạn “giáp hạt” khi các nhà máy đường trong nước chưa vận hành. Nếu tình trạng thiếu hụt đường trong nước kéo dài chắc chắn sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất.

Hành động kịp thời để tìm lời giải cho nguồn cung thiếu đường nội địa

Thực tế việc nguồn cung trong nước gặp nhiều khó khăn đã từng cho thấy các hệ quả không chỉ làm suy giảm sức cạnh tranh của ngành mía đường, mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị sản xuất khác trong nước, tạo kẽ hở cho đường lậu hoành hành.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những lo ngại về lạm phát mạnh nhất trong hàng thập kỷ do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như mùa vụ, cung – cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Đánh giá đúng chưa đủ, cần phản ứng kịp thời, nhanh chóng để đảm bảo linh hoạt được nguồn cung đường cho tiêu dùng và sản xuất, góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị kinh tế.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nganh-mia-uong-nguy-co-thieu-hut-tram-trong-tu-the-gioi-en-viet-nam-a613789.html