Ngành ngân hàng đối mặt với bài toán 'thừa, thiếu' nhân sự
Trước tình hình kinh doanh khởi sắc cùng triển vọng tăng trưởng năm 2019 và những năm tiếp theo, phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được xem là một trong những chiến lược trọng yếu của các ngân hàng.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) thông báo tuyển dụng 1.000 vị trí ở mảng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Khối Nhân sự HDBank cho biết, đợt tuyển dụng lớn này nhằm phục vụ cho sự mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng ngày càng cao của Ngân hàng. Hiện tại, ngân hàng mẹ HDBank có 6.200 cán bộ, nhân viên làm việc trên cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, HDBank phát triển thêm 119.507 khách hàng cá nhân và 1.005 khách hàng doanh nghiệp; mở rộng thêm 16 điểm giao dịch, đạt 256 điểm giao dịch trên toàn hệ thống; tuyển dụng 1.043 nhân sự mới và nâng lương cho 4.500 cán bộ, nhân viên từ 5 - 25%/tháng.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng của HDBank là 1.775 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình hoạt động khả quan, Ngân hàng dự kiến cả năm sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3.933 tỷ đồng (kế hoạch này tăng 27% so với năm 2018).
Kể từ đầu năm tới nay, không ít ngân hàng khác có thông báo tuyển dụng với số lượng vài trăm đến hàng nghìn nhân sự cho những vị trí từ chuyên viên đến cấp quản lý như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)…
Trong đó, Vietcombank có số lượng nhân viên ở thời điểm cuối tháng 6/2019 là 17.848 người, tăng 1.136 người so với đầu năm.
Với Nam A Bank, là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mở mới 35 đơn vị kinh doanh từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019, ngân hàng này đã mạnh tay tuyển dụng 2.000 nhân sự trên toàn quốc, nhằm đáp ứng kịp thời cho sự phát triển này.
Nửa đầu năm, Nam A Bank đạt lợi nhuận trước thuế 442 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 55% kế hoạch cả năm. Ngân hàng đã khai trương và đưa vào hoạt động thêm 23 đơn vị kinh doanh, nâng tổng số điểm giao dịch toàn hệ thống lên con số 93. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 103 trong thời gian tới, nhằm gia tăng sự hiện diện của Ngân hàng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.
Trong bối cảnh các ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự thì một số nhà băng có số lượng nhân sự nghỉ việc không nhỏ, khiến bức tranh nhân sự trong ngành nửa đầu năm 2019 biến động mạnh.
Theo thống kê sơ bộ, riêng quý II đã có hàng nghìn nhân sự ngân hàng nghỉ việc - sự biến động hiếm thấy trong vài năm trở lại đây. Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, cuối tháng 6/2019, số lượng nhân viên ở ngân hàng mẹ là 9.480 người, giảm 1.466 người so với cuối quý I. Trước đó, trong quý I/2019, số nhân sự ở nhà băng này giảm 520 người.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành ngân hàng Việt Nam nhìn chung vẫn đang loay hoay với bài toán nhân sự: thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Các ngân hàng gặp khó khăn trong việc bồi dưỡng và đào tạo lại để đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới. Ngoài ra, các ngân hàng chịu áp lực lớn hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đối mặt với nguy cơ dịch chuyển nhân sự giỏi sang các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Bà Ðinh Hồng Hạnh, Phó tổng giám đốc Tư vấn dịch vụ tài chính, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam nhận xét, nhiều ngân hàng Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về công nghệ số.
Tuy nhiên, mô hình hoạt động và quy mô nhân viên của các ngân hàng này có thể chưa bắt kịp và chưa hiệu quả như kỳ vọng của các cổ đông và ban lãnh đạo. Hiện tại, vấn đề năng suất lao động ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của các ngân hàng Việt.