Ngành Ngân hàng đồng hành cùng Khánh Hòa bứt phá trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Tại Hội thảo 'Khánh Hòa - hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương đột phá trong kỷ nguyên mới', bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định ngành Ngân hàng sẽ đồng hành cùng tỉnh Khánh Hòa trong việc hiện thực hóa khát vọng bứt phá, phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tín dụng ngân hàng – động lực cho tăng trưởng đột phá
Theo bà Hà Thu Giang Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, giai đoạn 2025–2030, Khánh Hòa sẽ phát triển thành một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, yêu cầu đặt ra là cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng ngân hàng giữ vai trò then chốt.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết tín dụng tại tỉnh Khánh Hòa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường kinh doanh ổn định cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, về công tác tín dụng, với vai trò là trung gian tài chính cung ứng vốn cho nền kinh tế, NHNN và toàn ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lành mạnh, an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng và phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, thực hiện các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương.
Riêng trên địa bàn Khánh Hòa, hoạt động ngân hàng đã và đang phát triển mạnh. Tính đến cuối tháng 6/2025, toàn tỉnh có 32 tổ chức tín dụng đang hoạt động với 53 chi nhánh cấp I. Mặc dù huy động trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn, song nhờ điều hòa vốn nội bộ linh hoạt từ hội sở các TCTD, tín dụng tại tỉnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu tính cả dư nợ của các doanh nghiệp tại Khánh Hòa được các TCTD ngoài địa bàn tỉnh cấp tín dụng thì quy mô dư nợ tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp tại Khánh Hòa là gần 300 nghìn tỷ đồng.
Cơ cấu tín dụng cũng phản ánh rõ định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, với tỷ trọng dành cho thương mại – dịch vụ chiếm 66%, công nghiệp 21%, và nông nghiệp 13%. Đây là sự chuyển dịch phù hợp với mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển của cả nước.
Là một trong những ngân hàng gắn bó, đồng hành với tỉnh Khánh Hòa nhiều năm qua, Phó Tổng giám đốc Vietcombank ông Nguyễn Việt Cường cho biết, hiện tại Vietcombank có 3 chi nhánh, 16 văn phòng giao dịch, có mức dư nợ tín dụng khoảng 30.000 tỷ thuộc nhóm lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của lãnh đạo Vietcombank, tại Khánh Hòa có nhiều lĩnh vực tiềm năng đầu tư, phát triển như kinh tế biển, du lịch nghỉ dưỡng, cảng biển, năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông, bất động sản khu công nghiệp… Thời gian tới, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh, ngân hàng tiếp tục phối hợp với tỉnh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, các nguồn lực cần thiết để phát triển, hướng tới mục tiêu đưa tỉnh phát triển, hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Phó Tổng giám đốc Vietcombank ông Nguyễn Việt Cường chia sẻ tại Hội thảo
Tập trung nguồn lực tín dụng vào 4 trụ cột kinh tế
Đặc biệt, việc Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025–2030 thể hiện tầm nhìn dài hạn và quyết tâm chính trị rất cao. Theo đó, tỉnh xác định rõ 4 trụ cột kinh tế cần tập trung phát triển gồm: công nghiệp, năng lượng, du lịch – dịch vụ và xây dựng đô thị.
Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 01-NQ/TU, phát triển mạnh mẽ 4 trụ cột kinh tế đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, trong thời gian tới, bà Hà Thu Giang cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trên tinh thần bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã đề ra.
Thứ nhất, tiếp tục hướng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trụ cột kinh tế tại Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh (Công nghiệp; Năng lượng; Du lịch dịch vụ và xây dựng đô thị), trong đó chú trọng vào các dự án trọng điểm như: các dự án đầu tư vào ngành dịch vụ và du lịch, năng lượng tái tạo, kinh tế biển, logistics, công nghiệp chế biến,...; qua đó góp phần biến “lợi thế so sánh” của Tỉnh thành “lợi thế cạnh tranh”, tăng tốc các động lực truyền thống cũng như kích hoạt các động lực tăng trưởng mới để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế mà Tỉnh đã đề ra;
Thứ hai, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số;
Thứ ba, phối hợp với các sở, ban ngành của Tỉnh tăng cường kết nối, lắng nghe, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Để nguồn vốn tín dụng ngân hàng phát huy hiệu quả, ngành ngân hàng rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo Tỉnh, chỉ đạo các sở, ban ngành trên địa bàn tích cực phối hợp, hỗ trợ các công việc liên quan, tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng...để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng để các TCTD cấp tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Tại hội thảo, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Trường ĐH Fulbright Việt Nam) cũng nhấn mạnh, để Khánh Hòa đạt được các mục tiêu phát triển lớn, cần thêm các kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh tín dụng ngân hàng. Một trong những giải pháp là phát hành trái phiếu dự án đặc biệt phù hợp với các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng nguồn thu trực tiếp chưa đủ hấp dẫn.
Theo ông Thành, trái phiếu dự án có thể được bảo đảm bằng dòng tiền thu từ dự án, hoặc bằng quyền sử dụng các quỹ đất công được xác định rõ ràng – đặc biệt là các khu đất gắn liền với hạ tầng sẽ hình thành. Việc bán đấu giá đất vào thời điểm hạ tầng hoàn thiện sẽ tạo nguồn thu hoàn trả trái phiếu, đảm bảo nguyên tắc tài chính an toàn, hiệu quả mà không làm tăng nợ công.
So với hình thức BT trước đây, cơ chế này minh bạch hơn, phản ánh đúng giá trị thị trường, đồng thời tạo động lực đúng đắn cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu. Đây cũng là giải pháp huy động vốn phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Khánh Hòa trong giai đoạn tới.