Ngành Ngân hàng gia tăng dịch vụ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngành Ngân hàng tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, gia tăng dịch vụ số, nâng cao giá trị thanh toán điện tử liên ngân hàng trên địa bàn tỉnh qua các năm. Việc áp dụng công nghệ mới giúp hệ thống thanh toán đện tử liên ngân hàng vận hành ổn định, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao dịch, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt.
Là đơn vị tiên phong triển khai hệ thống cây ATM đa chức năng thế hệ mới (Autobank CDM), từ năm 2020 đến nay, Agribank Vĩnh Phúc đã lắp đặt 5 máy Autobank CDM tại các điểm giao dịch chính trên toàn hệ thống gồm các huyện, thành phố Vĩnh Yên, Tam Dương, Vĩnh Tường, Sông Lô và Lập Thạch.
Có mặt tại máy Autobank CDM đặt tại hội sở Agribank Vĩnh Phúc, mặc dù là ngày nghỉ, quầy giao dịch không hoạt động, song số lượng người giao dịch tại máy Autobank CDM đặt tại cổng ngân hàng vẫn rất đông.
Chị Phùng Thị Nga, khách hàng của Agribank, ở phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên) cho biết: “Trước đây, khi muốn nộp tiền vào tài khoản, tôi phải trực tiếp giao dịch tại quầy, nên phải chờ ngày làm việc mới giao dịch được. Sau khi chi nhánh lắp đặt cây ATM đa chức năng, mọi giao dịch đều có thể thực hiện 24/7.
Ngoài ra, chức năng chuyển tiền liên ngân hàng của máy được liên kết tới gần 40 ngân hàng, lại không phải kê khai nhiều như ở quầy, giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho những hộ kinh doanh như chúng tôi”.
Với chức năng phân biệt tiền giả, hạn mức nộp tiền vào tài khoản không giới hạn trong ngày, máy R - ATM thế hệ mới được lắp đặt ở hội sở Vietinbank Vĩnh Phúc được nhiều khách hàng Vietinbank đánh giá cao, sử dụng phổ biến trong thời gian qua.
Anh Lê Văn Thành, cán bộ Phòng Điện toán của Vietinbank Vĩnh Phúc cho biết: “Bên cạnh việc dễ sử dụng, mang lại tiện ích cho khách hàng khi giao dịch 24/7 như một giao dịch viên tại quầy, máy R - ATM có màn hình LCD cảm ứng kết hợp với tính năng bàn phím ảo, có thể nhìn rõ ngay cả khi ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Ngoài ra, máy được trang bị bộ công nghệ ma sát hiện đại, giúp tăng tốc độ đưa tiền ra khỏi khay, hạn chế tối đa khả năng bị kẹt tiền, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tiện ích và rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng.
Về tính năng bảo mật và an toàn khi giao dịch, máy R - ATM có chức năng theo dõi, lưu lại hình ảnh số series của tiền giả, tiền kém chất lượng, qua đó, phía ngân hàng và khách hàng có thể dễ dàng kiểm soát, tra soát khiếu nại khi gặp sự cố”.
Được biết, mạng lưới tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh hiện có 29 ngân hàng cấp I, 9 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, 94 phòng giao dịch thuộc các chi nhánh TCTD, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 31 Quỹ tín dụng nhân dân cấp cơ sở.
Cùng với phát triển mạng lưới hoạt động, hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán điện tử được các TCTD quan tâm đầu tư với 242 máy ATM, 900 POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, cơ sở y tế, trường học… phân bổ từ khu vực thành thị đến khu vực nông thôn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và thanh toán của người dân, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo động lực phát triển KT - XH.
6 tháng năm 2023, giá trị thanh toán điện tử liên ngân hàng toàn tỉnh đã đạt hơn 12.500 tỷ đồng (đạt hơn 50% so với kế hoạch).
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh tỉnh, thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa và gia tăng dịch vụ thanh toán mới theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.
Để phòng chống rủi ro, ngăn chặn vi phạm trong các giao dịch điện tử, NHNN chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các TCTD thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng hoạt động thông suốt, an toàn trước rủi ro xâm nhập.
Mặt khác, ngành Ngân hàng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt, kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro khi giao dịch trên môi trường điện tử.
Với mục tiêu xây dựng ngân hàng số, phát triển công nghệ số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh cùng các TCTD tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng các công nghệ số phát triển như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình, sử dụng trí tuệ nhân tạo… để tối ưu, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ.
Đồng thời mở rộng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ, thử nghiệm các giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, hướng tới ứng dụng các tính năng trên thẻ CCCD gắn chip, từ đó ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.