Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc
Năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các sở, ngành, đặc biệt là nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong Ngành, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, NHNN tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ngành và UBND tỉnh đến các TCTD trên địa bàn. Trong đó, tập trung quán triệt và chỉ đạo các TCTD thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng trong năm 2024. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các TCTD thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ và NHNN.
NHNN chi nhánh Hà Tĩnh cũng đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh, tăng cường thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP và chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đồng thời, NHNN chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đảm bảo hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, thông suốt.
Theo đó, các TCTD trên địa bàn cũng đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách, chỉ đạo của Ngành trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng, hỗ trợ lãi suất và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Ngoài các chính sách chung, từng TCTD còn đưa ra các chính sách riêng, ưu đãi lớn để kích cầu tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn cũng đã đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Năm 2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 148.070.411 món, tăng 19,87% so với năm 2023 (với giá trị giao dịch đạt 983.480 tỷ đồng). Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng/tổng số người trưởng thành là 79%. Thanh toán dịch vụ hành chính công đạt kết quả tích cực, các chỉ tiêu đều tăng và đạt kế hoạch đề ra.
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Hà Tĩnh năm 2025, ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tăng trưởng kinh tế của địa phương năm 2024 đạt 7,48%, quy mô nền kinh tế đạt gần 113.000 tỷ đồng (xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố trên cả nước); thu ngân sách đảm bảo tiến độ, cả năm đạt trên 18.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa lần đầu tiên đạt trên 10.000 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng khá; công tác thu hút đầu tư đạt kết quả cao...
Trong những kết quả khởi sắc trên, có sự đóng góp quan trọng từ ngành Ngân hàng trên địa bàn. Ông Trần Báu Hà cũng đề nghị, thời gian tới, trong điều kiện tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương, ngành Ngân hàng trên địa bàn vẫn phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; đồng thời, chủ động tham mưu cho tỉnh các chính sách, chương trình tín dụng phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Trong đó, các TCTD trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng phải hợp lý, đúng quy định, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.