Ngành ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp

BPO - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải pháp vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đồng thời nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, với tinh thần sẵn sàng đồng hành với DN và người dân, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19.

***

Ngân hàng và DN có mối quan hệ cộng sinh. Ngân hàng cũng là DN và không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 khi nguy cơ nợ xấu tăng và nhiều rủi ro khác. Song với tinh thần đồng hành, chia sẻ với DN, người dân, ngành ngân hàng đã kịp thời có những chính sách và vào cuộc tích cực để tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngành đã tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận dịch vụ một cách tốt nhất. Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế, ngân hàng vững mạnh thì càng có cơ sở, nền tảng để hỗ trợ DN và nền kinh tế vượt qua đại dịch…

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trong 2 năm 2020, 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Hơn 800 ngàn DN Việt bị ảnh hưởng ít nhiều tùy lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh. Nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN vừa và nhỏ… Thấu hiểu những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của DN, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn từ 1,5-2%/năm. Những tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, DN và nền kinh tế.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) chi nhánh Bình Phước - Ảnh: Thanh Mảng

Hưởng ứng lời kêu gọi từ NHNN, Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN năm 2020 và những tháng đầu năm 2021... NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với những giải pháp đột phá chưa từng có tiền lệ. Đây là cơ sở pháp lý giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai giải pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, khi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 17-5-2021, DN đã được bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ DN vay vốn sản xuất. Khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên DN trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.

Còn đối với các ngân hàng thương mại, những nội dung trong Thông tư 03 sẽ có nhiều tác động tích cực trong ngắn hạn và dài hạn. Với việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, kỳ vọng chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các ngân hàng thương mại có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh, sản xuất.

Thông tư 14: Mở rộng đối tượng và thời gian cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí (khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí bao gồm các khoản nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021 thay vì ngày 10-6-2020; thời gian cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí được kéo dài thêm 6 tháng đến ngày 30-6-2022 thay vì ngày 31-12-2021). DN và khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ giảm áp lực về trả nợ, tạm thời không bị chuyển nhóm nợ xấu hơn.

Tiếp đó, ngày 7-9-2021, khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 có hiệu lực, phía DN và khách hàng vay vốn tiếp tục được hưởng lợi. Các DN và người dân có thêm nguồn lực và thời gian để phục hồi sản xuất với lộ trình phù hợp trong tình hình mới.

Doanh nghiệp, người dân hưởng lợi

Từ hàng loạt các chính sách được đưa ra phù hợp tình hình thực tế của nền kinh tế đã góp phần rất lớn khuyến khích DN phục hồi sản xuất trở lại. Điển hình như mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,4%/năm so với tháng 12-2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Á Châu chi nhánh Bình Phước - Ảnh: Thanh Mảng

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức họp với 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho các TCTD. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong năm 2020 khoảng 1.004 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN đã 2 lần chỉ đạo các TCTD và Napas thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ DN, người dân.

16/16 ngân hàng gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, Vpbank, Techcombank, Sacombank đã có báo cáo gửi Hiệp hội Ngân hàng kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và một số khoản cho vay mới chuẩn bị giải ngân. Ước tính giảm lãi suất cho vay từ 15-7 đến cuối năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là 20.372,307 tỷ VNĐ.

Thông tư 01 có thể nói như cơn mưa “tưới mát” cho các DN trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Tính đến ngày 26-7-2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng, lũy kế số tiền đã miễn, giảm cho khách hàng từ ngày 23-1-2020 đến 26-7-2021 là 19.252 tỷ đồng (trong đó số tiền lãi sẽ miễn, giảm theo cam kết là 4.697 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến 26-7-2021 đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (đến ngày 26-7-2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 191.235 khách hàng với dư nợ 4.723 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.192.080 khách hàng với số tiền 118.103 tỷ đồng.

Về chính sách cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP, đến ngày 31-1-2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng 42,9 tỷ đồng cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với số tiền 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Đến ngày 31-7-2021, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo chương trình còn 38,08 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 4-8-2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 99,81 tỷ đồng cho vay trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố với số tiền 99,78 tỷ đồng đối với 116 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 28.115 người lao động.

Hồng Cúc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127944/nganh-ngan-hang-luon-dong-hanh-voi-doanh-nghiep