Ngành ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số
Chuyển đổi số (CĐS) đang được ngành ngân hàng chú trọng thực hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong thời đại công nghệ 4.0. Hiện ngành ngân hàng đang ứng dụng công nghệ trong hoạt động cũng như cung cấp các dịch vụ tiện ích cho khách hàng với công nghệ bảo mật cao, an toàn, thu hút khách hàng, người dân tham gia các giao dịch thông minh, hiện đại.
Phục vụ khách hàng tốt hơn
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết hiện ngành ngân hàng có mức độ sẵn sàng rất cao, nằm trong số các ngành ưu tiên CĐS của quốc gia. Về định hướng công tác CĐS của ngành ngân hàng trong năm 2023 đó là 65 - 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ, tỷ trọng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt tối thiểu 50%.
Theo kế hoạch CĐS và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 50% trong thương mại điện tử, phát triển 450.000 điểm chấp nhận thanh toán và 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ. Phấn đấu 90% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý trên môi trường mạng, 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý thực hiện qua môi trường số...
Cũng theo ông Võ Đình Phong, mục tiêu CĐS của NHNN đó là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý theo hướng hiện đại, ứng dụng và khai thác hiệu quả thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về CĐS của Chính phủ. Riêng các tổ chức tín dụng sẽ tập trung phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, tạo ra các sản phẩm, tiện ích ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Gắn với chuyển đổi nhận thức
Như nhiều lĩnh vực khác, tiền đề quan trọng để thúc đẩy CĐS đó chính là chuyển đổi nhận thức, trong đó người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác CĐS. Bên cạnh đó cần chú trọng công tác truyền thông, tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức cán bộ, nhân viên và người dân về vai trò, lợi ích của CĐS. Chuyển đổi nhận thức được xem là trụ cột quan trọng đầu tiên trong 8 trụ cột về CĐS của ngành ngân hàng, kế đến đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, triển khai hiệu quả chính phủ điện tử tại NHNN, phát triển hạ tầng số, khai thác hiệu quả dữ liệu, ứng dụng công nghệ hiện đại, chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn và cuối cùng là phát triển nguồn lực phục vụ CĐS.
Cũng theo ông Võ Đình Phong, hiện nay yêu cầu đặt ra trong CĐS của ngành ngân hàng là phát triển hạ tầng số, trong đó cần nâng cấp hạ tầng thanh toán theo hướng vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng khả năng kết nối với các hệ thống khác, thanh toán xuyên biên giới. Đồng thời các hoạt động bảo đảm ổn định, an toàn và mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng, kế đến đó là cần mở rộng hạ tầng kết nối bằng các ứng dụng công nghệ mới, như: BigData, AI, Blockchain… trong xử lý dữ liệu, phân loại, cung cấp thông tin, dữ liệu ngân hàng, nâng cấp khả năng kết nối...
Thời gian qua, đi cùng xu thế chuyển đối số của NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương nói riêng và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh công tác CĐS. NHNN tỉnh đã triển khai “Ngày chuyển đổi số” đến 53 chi nhánh TCTD nhằm tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cụ thể hóa các văn bản của UBND tỉnh và NHNN Việt Nam, hỗ trợ, thúc đẩy CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 945 đơn vị đã thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, chiếm hơn 98% trên tổng số đơn vị trên địa bàn.
Có thể thấy, từ CĐS, các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng đã đem lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm mới, tiết kiệm được chi phí, nhân lực so với các dịch vụ truyền thống, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng thông qua các ứng dụng. Các giao dịch số thuận tiện, dễ dàng được bảo đảm an ninh, an toàn nên được nhiều khách hàng lựa chọn, do đó kênh số hóa ngân hàng tăng mạnh lượng giao dịch và giá trị. Bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, các quy trình nội bộ của các ngân hàng thương mại, TCTD cũng được điện tử hóa. Các nghiệp vụ, quy trình như phê duyệt tín dụng, thẩm định hồ sơ khách hàng tra cứu điện, tra soát liên ngân hàng… hầu hết đã được thực hiện trên hệ thống điện tử.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương: Hiện một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai sản phẩm với căn cước công dân có gắn chip, mở tài khoản thanh toán và thực hiện các giao dịch tài chính chỉ trong “một chạm”. Với thẻ căn cước công dân gắn chip, khách hàng có thể nộp, rút tiền mặt tại các ATM đa năng thông qua quét khuôn mặt và vân tay. Triển khai chương trình ngân hàng số tích hợp hai hình thức: Bằng ứng dụng Digibiz trên điện thoại di động và truy cập bằng website từ trang web. Bộ giải pháp số này mang đến sự tiên lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cũng như bảo đảm an toàn tối đa cho khách hàng.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nganh-ngan-hang-thuc-day-chuyen-doi-so-a289761.html