Ngành Ngân hàng tiên phong trong kỷ nguyên của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.

Đổi mới từ tư duy đến hành động

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã nhấn mạnh thông điệp này trong buổi trao đổi về chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; Đồng thời khẳng định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Thúc đẩy kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ xác định trong thời gian qua, với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành. Ngành Ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế - được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Đáp lại kỳ vọng đó, ngành đã chủ động đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến hành động. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định ngành Ngân hàng chính là ngọn cờ tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số.

Ngân hàng là một trong những bộ, ngành đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, do Thống đốc NHNN làm Trưởng ban. Ban lãnh đạo NHNN luôn xác định rõ: nhận thức là yếu tố then chốt quyết định thành công của chuyển đổi số. Do đó, chuyển đổi nhận thức phải bắt đầu từ các cơ quan quản lý, từ người đứng đầu, sau đó lan tỏa đến toàn ngành Ngân hàng. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Ban Thường vụ và Ban Lãnh đạo NHNN nhận thức sâu sắc rằng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là nền tảng cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Với tư duy đó, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và là một trong những bộ, ngành được Chính phủ đánh giá cao về kết quả trong chuyển đổi số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Một dấu mốc quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của ngành là Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng được số hóa hoàn toàn, và 70% giao dịch của khách hàng thực hiện qua các kênh số - là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của ngành trong việc tiến sâu hơn vào kỷ nguyên số.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, ngành Ngân hàng đã chủ động thực thi nhiều giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số. Với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan, quá trình chuyển đổi số toàn diện của ngành đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trên các phương diện: nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm – dịch vụ số, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống.

Những nỗ lực đó được ghi nhận qua việc NHNN thường xuyên nằm trong nhóm có thứ hạng cao về chỉ số kiến tạo thể chế trong chuyển đổi số. Các TCTD không ngừng phát triển về quy mô, thương hiệu, và dịch vụ, với nhiều ngân hàng được vinh danh trong các bảng xếp hạng uy tín trong nước và quốc tế, nhờ những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Việc sớm tiên phong trong chuyển đổi số đã trở thành điểm tựa vững chắc để NHNN triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Dù phải thực hiện nhiệm vụ phức tạp là cơ cấu lại 63 chi nhánh NHNN cấp tỉnh, thành phố về 15 chi nhánh khu vực trong chưa đầy 3 tháng, song song với đó vẫn duy trì vận hành nhiều hệ thống kết nối thanh toán quan trọng, toàn hệ thống NHNN vẫn vận hành thông suốt, bảo đảm hoạt động giao dịch của người dân và doanh nghiệp không bị gián đoạn.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHNN tiếp tục được nâng cao, thể hiện rõ qua kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index). Trong suốt 7 năm liên tiếp, NHNN đứng đầu trong bảng xếp hạng Par Index của các bộ, ngành. Năm 2024, dù Bộ Nội vụ không công bố bảng xếp hạng, NHNN vẫn ghi nhận kết quả cao nhất từ trước đến nay, với chỉ số Par Index đạt 93,66 điểm. Đáng chú ý, cả 6 chỉ số thành phần cải cách hành chính đều có kết quả trên 90%, không có chỉ số nào dưới mức trung bình.

Những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi số đã góp phần thay đổi rõ nét diện mạo của ngành Ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây. Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đến đầu năm 2025, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại Việt Nam đã vượt mốc 200 triệu. Tại nhiều TCTD, trên 90% giao dịch tài chính được thực hiện thông qua các kênh số, phản ánh rõ hiệu quả của quá trình chuyển đổi với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, nâng cao trải nghiệm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ. Những “trái ngọt” từ chuyển đổi số đang từng bước lan tỏa, giúp người dân ngày càng tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng thông minh, an toàn, tiện lợi với chi phí ngày một tốt hơn.

Đổi mới sáng tạo một cách sâu rộng, toàn diện

Để hiện thực hóa 2 mục tiêu chiến lược đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải phát triển và ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, từ đó tạo động lực mới, mở rộng không gian phát triển cho đất nước.

Khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những lĩnh vực không có giới hạn, không rào cản về biên giới, độ tuổi, giới tính hay tín ngưỡng. Trong bối cảnh đó, các phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” được phát động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo sâu rộng trong toàn xã hội.

Đáp ứng yêu cầu của thời đại và với vai trò là “hạt nhân” của nền kinh tế số, ngành Ngân hàng xác định quá trình chuyển đổi số sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới, không chỉ ứng dụng công nghệ hiện đại mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách sâu rộng, toàn diện.

Trong giai đoạn tới, để phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, NHNN đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong hoạt động của cấp cơ quan trong hệ thống chính trị. Thống đốc NHNN giao các TCTD chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và hợp tác xã. Đồng thời, NHNN sẽ công bố danh mục các bài toán lớn trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để các doanh nghiệp công nghệ số trong nước tham gia giải quyết. Cùng với đó là xây dựng chương trình thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên môi trường số, trang bị kỹ năng số cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, góp phần tạo dựng niềm tin số trong cộng đồng.

Thống đốc NHNN cũng giao cho các đơn vị triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh của các TCTD. Theo đó, các TCTD tiếp tục mở rộng ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia; hướng tới tự động hóa toàn bộ quy trình để rút ngắn thời gian cho vay; đẩy mạnh triển khai Open Banking, Open API nhằm tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng… Nghiên cứu triển khai nền tảng ngân hàng lõi kỹ thuật số hiện đại cho phép các ngân hàng hoạt động nhanh hơn, thông minh hơn, theo cách tiết kiệm chi phí dễ dàng mở rộng quy mô và sản phẩm.

Những bước đi mạnh mẽ, tinh thần quyết tâm đột phá phát triển khoa học công nghệ, không ngừng đổi mới sáng tạo hoạt động toàn Ngành là minh chứng khẳng định vai trò của ngành Ngân hàng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế số quốc gia. Ngành Ngân hàng sẽ giữ vững vai trò tiên phong cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-tien-phong-trong-ky-nguyen-cua-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-164292.html