Ngành nhôm đón đầu cơ hội từ EVFTA
Ngày 23-7, tại Hà Nội, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam chính thức ra mắt khu vực phía bắc. Tại đây, các doanh nghiệp nhôm Việt Nam đã cùng trao đổi về những lợi thế khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất cũng như việc đón đầu những cơ hội từ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam Nguyễn Minh Kế cho biết, tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, ngành nhôm Việt Nam còn rất non trẻ, công nghệ cũng chưa tiên tiến, sức cạnh tranh so với các nước còn rất yếu. Chia sẻ về những kỳ vọng từ EVFTA, ông Kế nhận định: EVFTA kỳ vọng sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều trắc trở. Thực tế, ngay từ khi chưa có Hiệp định này, các doanh nghiệp Việt đã có nhiều đối tác từ Liên hiệp châu Âu (EU). Nhưng bên cạnh các yêu cầu về giá cả, sản phẩm còn phải đáp ứng cả những tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường, lao động,… rất khắt khe. Do đó, trước mắt, Hội sẽ tiến hành xây dựng một bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về nhôm thanh định hình Việt Nam để tạo điểm tựa cạnh tranh với hàng xuất xứ từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện mình, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chất lượng giá thành sản phẩm, giá thành hợp lý để cạnh tranh sòng phẳng với nhôm nhập ngoại.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành hiến kế: Hiện nay, khối lượng nhập khẩu nhôm của chúng ta đang rất lớn, buộc phải áp dụng biện pháp bảo hộ như chống bán phá giá,... Vì vậy, bên cạnh việc cạnh tranh tại thị trường trong nước, tại sao các doanh nghiệp Việt không nghĩ đến việc xuất khẩu như là một cách để thoát khỏi cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao hơn. Việt Nam đã tham gia 16 FTA, phủ gần như tất cả các thị trường quan trọng nhất trên thế giới trừ Hoa Kỳ. Đối với ngành xuất khẩu nhôm của Việt Nam cũng đã xuất đi ASEAN, Hoa Kỳ, EU. Hiện tại, dư địa của thị trường EU đối với ngành nhôm còn rất lớn. Tại thị trường trong nước, thuế chống bán phá giá là một công cụ để bảo hộ nhưng sẽ chỉ kéo dài được một vài năm. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh mới là cách để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tận dụng lợi thế từ các FTA để xuất khẩu.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam Vũ Văn Phụng cho biết, hiện nay, có tình trạng một số doanh nghiệp nhôm đang lợi dụng việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa làm ăn chụp giật, gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính. Chính vì thế, thời gian tới, Hội sẽ xây dựng Bộ Quy chế mang tính pháp lý để các doanh nghiệp ngành nhôm thực hiện và tuân theo, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường nhôm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hội sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ và thị trường quốc tế để đẩy mạnh sản phẩm nhôm ra thị trường nước ngoài bằng các hội thảo, hội nghị và hội chợ thương mại chuyên ngành trong nước cũng như nước ngoài. Mặt khác, sẽ cùng với các doanh nghiệp cùng góp phần làm lành mạnh hóa và phát triển thị trường nhôm Việt Nam một cách bền vững, trong bối cảnh đất nước hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thị trường khu vực và quốc tế, đưa ngành nhôm Việt Nam bước sang một tầm cao mới, có công nghệ kỹ thuật hiện đại và phát triển bền vững trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.