Ngành nhựa 'chia hai'
Doanh thu của các doanh nghiệp ngành nhựa nhìn chung suy giảm, nhưng lợi nhuận có sự phân hóa thành 2 bên rõ nét: tăng trưởng và thua lỗ.
BMP, NTP, AAA: Lợi nhuận tăng trưởng
Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) cho biết, trong quý III/2023, doanh thu đạt 926 tỷ đồng, giảm 38%, nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 208 tỷ đồng, tăng hơn 19%, nhờ giá vốn giảm trên 50% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Nhựa Bình Minh đạt doanh thu 3.702 tỷ đồng, giảm 15,8%; lợi nhuận sau thuế 784,1 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch năm (651 tỷ đồng).
Lợi thế về nguyên liệu đầu vào là yếu tố chính giúp Nhựa Bình Minh cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh ngành nhựa gặp khó khăn vì nhu cầu yếu. Trong cơ cấu cổ đông của Nhựa Bình Minh có Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) - sở hữu Tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Yếu tố này giúp Công ty nhập nguyên liệu với mức giá ưu đãi và ổn định về nguồn cung từ Tổ hợp. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu của Nhựa Bình Minh là hạt nhựa nguyên sinh, bao gồm 3 loại chính là hạt nhựa PVC, hạt nhựa PP và hạt nhựa HDPE, đều là sản phẩm từ dầu.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, giá PVC tiếp tục hạ nhiệt do nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp, giúp Nhựa Bình Minh duy trì biên lợi nhuận ở mức tốt. Ước tính, lợi nhuận năm 2023 của Nhựa Bình Minh đạt 1.021 tỷ đồng, tăng 47,2% so với năm 2022.
Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã chứng khoán NTP) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý III/2023, nhờ giá đầu vào giảm mạnh. Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu 1.301 tỷ đồng, giảm 6%, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 76,7% so với cùng kỳ, đạt 148 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Nhựa Tiền Phong đạt doanh thu hơn 3.825 tỷ đồng, giảm 7,2%; lợi nhuận sau thuế 394,7 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Nhựa Tiền Phong đặt mục tiêu đạt doanh thu 5.875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 535 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, doanh nghiệp thực hiện được 67% kế hoạch doanh thu và với gần 87% kế hoạch lợi nhuận (9 tháng đạt 464,64 tỷ đồng).
Một doanh nghiệp khác lãi cao nhờ tối ưu chi phí là Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán AAA). Trong quý III/2023, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 103,5 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng và chi phí được tiết giảm. Nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm hơn 16% và 18,4% so với cùng kỳ, xuống 9.937 tỷ đồng và 217 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (Nhựa Pha Lê, mã chứng khoán PLP), kết quả kinh doanh công ty mẹ trong quý III/2023 ghi nhận mức tăng trưởng 25,3% về doanh thu và 149% về lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 443 tỷ đồng và 7,8 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng mạnh do Nhựa Pha Lê thắt chặt các khoản chi phí hoạt động, nhưng lợi nhuận hợp nhất giảm hơn 30% so với cùng kỳ.
DAG, DPC, TPC: Thua lỗ
Tình hình kinh tế trong nước nói chung và thị trường các dự án bất động sản nói riêng khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành nhựa.
Nếu như các doanh nghiệp lớn trong ngành ghi nhận lợi nhuận khả quan trong bối cảnh khó khăn nhờ tối ưu chi phí và giá nguyên liệu đầu vào giảm, thì Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã chứng khoán DAG) lại thua lỗ vì yếu tố nguyên liệu.
Trong quý III/2023, công ty mẹ Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 3,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 3,9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt doanh thu 17,2 tỷ đồng, giảm 38,3%, lợi nhuận sau thuế âm 144,5 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất còn tệ hơn nhiều khi mức lỗ quý III là 16,2 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 181,9 tỷ đồng.
Lãnh đạo Nhựa Đông Á cho biết, nguyên vật liệu chủ yếu của Công ty là nguồn trong nước, có giá tăng so với cùng kỳ, dẫn đến chi phí giá thành cao so với doanh thu bán hàng đạt được. Điều này kéo theo tỷ lệ lợi nhuận gộp về bán hàng giảm. Bên cạnh đó, Công ty có chi phí khác tăng đột biến (1,14 tỷ đồng), gồm các khoản chậm nộp thuế, phạt chậm nộp. Ngoài ra, doanh thu giảm, nhưng các chi phí phục vụ vận hành nhà máy, chi phí quản lý kinh doanh, chi phí khấu hao và chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn phải chi trả. Đặc biệt, kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng lỗ lớn chủ yếu là do công ty con - Công ty TNHH Nhựa Đông Á phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 87,2 tỷ đồng, trích lập dự phòng hàng tồn kho 27,5 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (mã chứng khoán TPC) lỗ 51 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023. Lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, sản lượng bán ra giảm, kéo theo doanh thu giảm (chỉ bằng một nửa cùng kỳ) và doanh thu thu về không đủ bù chi phí cố định. Ngoài ra, hàng tồn kho lớn, có những sản phẩm để lâu bị hỏng. Trong khi đó, các chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp không giảm, dẫn đến kết quả kinh doanh bị lỗ.
Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (mã chứng khoán DPC) cho hay, doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh hoạt động bán hàng, lập kế hoạch kinh doanh phát triển thị trường, giúp doanh thu quý III/2023 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn cũng như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng nên Công ty lỗ 1,3 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 3,6 tỷ đồng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành nhựa trong thời gian qua phải đối mặt với khó khăn kép, ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát cao và thị trường nhựa trong nước cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Mặc dù vậy, số doanh nghiệp có lợi nhuận quý III/2023 tăng trưởng nhiều hơn số doanh nghiệp suy giảm.
Nỗ lực cải thiện
Ông Ngô Văn Thụ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán NHH) cho biết, Công ty đang đẩy mạnh mảng xuất khẩu ra thị trường Mỹ, Canada, kỳ vọng doanh thu từ xuất khẩu sẽ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch doanh thu và thực hiện được 90% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Lãnh đạo Nhựa Tân Đại Hưng cho hay, doanh nghiệp tiếp tục chào giá cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng để nhận đủ đơn hàng theo chỉ tiêu kế hoạch, ưu tiên cho xuất khẩu và lựa chọn đơn hàng hiệu quả, quy trình ngắn gọn, quay vòng đồng vốn. Công ty đang theo dõi sát thị giá nguyên liệu để quyết định mua hàng hợp lý, đảm bảo mức tồn kho tối thiểu nhằm giảm chi phí tài chính.
Trong khi đó, lãnh đạo Nhựa Đông Á chia sẻ, doanh nghiệp đang phải “gồng” lỗ để duy trì hoạt động, đề ra các phương án như cơ cấu, giảm biên chế, mở rộng tìm kiếm đối tác, các nhà phân phối, đại lý, nhằm phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Chứng khoán Bảo Việt nhận định, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhựa sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhờ triển vọng cải thiện của thị trường bất động sản cũng như các chính sách tài chính - tiền tệ mở rộng. Giá hạt nhựa PVC đang ổn định ở mức thấp là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp ngành nhựa.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-nhua-chia-hai-post335119.html