Ngành nông lâm nghiệp Việt Nam hướng tới NetZero 2050

Trong hành trình hướng tới Net Zero, nông nghiệp và lâm nghiệp nổi lên là hai lĩnh vực giàu tiềm năng, nhờ đặc thù phát thải phù hợp và nỗ lực thầm lặng của người nông dân.

Càng làm, càng thấy được hiệu quả

Khi được hỏi “Bà con nông dân trong khu vực trồng lúa đó có biết rằng mình đang góp phần vào nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu, thông qua việc giảm phát thải?”,“Họ có nghe nói gì về thị trường carbon chưa?”, ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa nổi tiếng ST25, bộc bạch: “Đối với người nông dân hiện nay thì chắc là chưa đâu. Nói thật ra thì tôi cũng mới đây thôi. Thật sự lúc chúng tôi bắt đầu với mấy cái giải pháp canh tác xanh, thì cũng đi từ từ thôi. Lúc đó chỉ nghĩ tới chuyện làm sao cho chất lượng gạo tốt hơn, giảm phát thải khí nhà kính, rồi tạo ra môi trường sống tốt hơn cho cây lúa với người dân. Chứ cũng chưa nghĩ gì tới chuyện carbon, thị trường gì hết”.

Tuy nhiên, hiệu quả môi trường đến rất tự nhiên. Ông Cua ví dụ: “Khi mình canh tác theo kiểu hữu cơ, tuần hoàn – làm đúng á – thì thấy rõ lắm. Những khí độc như metan, nghe thì nói nó trơ, nhưng đi kèm với nó là mùi trứng thối. Nếu mình làm kiểu giảm phát thải, thì ao, ruộng mình không còn mùi hôi nữa”. Khi thay đổi kỹ thuật, như giảm nước tưới, rút khô giữa mùa, không chỉ cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đất, mà còn làm hạt gạo thơm hơn, sạch hơn. Cách làm này vừa nâng giá trị hạt gạo, vừa vô tình giảm phát thải khí nhà kính.

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua.

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua.

Điều thú vị là, ông Cua làm điều đó không phải để "chống biến đổi khí hậu", mà chỉ đơn giản là lựa chọn đúng con đường ít thiệt hại và mang lại lợi ích dài lâu hơn cho người dân. Nhưng khi càng làm, ông Cua càng thấy được hiệu quả của việc canh tác chống biến đổi khí hậu.

“Nhưng mà rồi thấy, nếu mình để ý tới chuyện khí hậu thiệt đó, thì mình có cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn, rất cụ thể luôn, chứ không phải chuyện trên trời dưới đất gì đâu. Nó là ở ngay chỗ mình sống, ngay bữa cơm mình ăn, ngay cái khu vực nhà mình ở. Tôi nghĩ vậy là từ cái thực tế chỗ tôi hay lui tới. Nhiều khi làm cái gì đó giúp người ta, nhưng mình cũng chỉ làm bình thường thôi. Rồi tình cờ vậy, lại ra kết quả tốt”, ông Hồ Quang Cua chia sẻ.

Tiêu chí quốc tế – Cơ hội cho nông nghiệp và lâm nghiệp

Thị trường carbon toàn cầu hiện đang dần chuyển hướng khỏi các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn như điện mặt trời, điện gió trên bờ – vốn từng là ưu tiên hỗ trợ quốc tế. Theo ông Lê Quang Linh, đại diện Tập đoàn Giant Barb Việt Nam, điều này đã thể hiện rõ trong Danh mục 1 của Nghị định 119: các dự án năng lượng tái tạo truyền thống không còn nằm trong nhóm được ưu tiên phát triển tín chỉ carbon nữa.

Thay vào đó, các dự án có tác động giảm phát thải thực chất, minh bạch, và tránh tính trùng tín chỉ được đặt lên hàng đầu. Trong đó, các mô hình gắn với lâm nghiệp, nông nghiệp, và quản lý chất thải trở thành hướng đi khả thi và bền vững hơn cả.

Ông Lê Quang Linh, đại diện Tập đoàn Giant Barb Việt Nam.

Ông Lê Quang Linh, đại diện Tập đoàn Giant Barb Việt Nam.

Cũng theo ông Linh, Việt Nam có một lợi thế đáng kể: phần lớn dân cư đã được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như nước sạch, điện lưới, năng lượng, điều khiến các dự án cộng đồng như "bếp không khói" hay "lọc nước sạch" ít phù hợp hơn so với những nước như Ấn Độ hay các quốc gia Trung Phi. Vì thế, Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực có khả năng tạo ra tín chỉ carbon bền vững, chẳng hạn như:

Sản xuất và ứng dụng Biochar trong nông nghiệp giúp giữ carbon trong đất, tăng độ màu mỡ; Thu hồi biogas từ chất thải chăn nuôi để phát điện vừa giảm phát thải metan, vừa tái sử dụng năng lượng; Thu hồi khí từ rác thải đô thị tại các bãi chôn lấp không chỉ cải tạo môi trường, mà còn giúp phát điện từ nguồn khí sinh học.

“Việc thu hồi biogas từ bãi chôn lấp không chỉ giúp giảm mùi hôi, mà còn cải tạo lại các khu vực bãi rác cũ, góp phần khắc phục ô nhiễm. Đối với các dự án đốt rác phát điện mới, biogas giúp tối ưu hóa tài nguyên, đồng thời giảm diện tích sử dụng đất cho việc chôn lấp chất thải, cũng như giảm thiểu mùi hôi phát sinh trong quá trình xử lý.”, ông Linh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng, cơ chế thì chưa

Một trong những thách thức lớn hiện nay là thiếu cơ chế rõ ràng cho thị trường carbon, dù các doanh nghiệp lớn, cả tư nhân lẫn nhà nước, đã sẵn sàng về mặt tài chính để đầu tư. Các ngành phát thải nhiều như nhiên liệu hóa thạch, điện, xi măng, thép đang rất cần tín chỉ carbon để thực hiện các cam kết giảm phát thải, nhưng lúng túng trong việc tiếp cận các nguồn tín chỉ đạt chuẩn quốc tế.

Nếu các mô hình nông nghiệp và lâm nghiệp như của ông Hồ Quang Cua được đo đếm, kiểm chứng và kết nối với hệ thống quản lý carbon quốc gia, thì đây có thể trở thành nguồn tín chỉ nội địa quan trọng, góp phần giúp doanh nghiệp trong nước đạt mục tiêu Net Zero.

Đây là lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía nhà nước – không chỉ để xác lập hệ thống đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV), mà còn để định hình thị trường carbon tự nguyện nội địa, gắn kết người sản xuất, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Từ "gạo ngon" đến "tín chỉ xanh"

Việt Nam chúng ta tự hào với thế giới vì có loại gạo ST25 thắm đượm hương vị miền đất Sóc Trăng được mệnh danh là loại gạo “ngon nhất thế giới”, được Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự nghiên cứu sáng tạo và phát triển, chinh phục nhiều thực khách và bạn bè quốc tế.

Trong bối cảnh mô hình trồng lúa hiện nay đang dần chuyển hướng sang các mô hình nông nghiệp xanh, giúp giảm phát thải khí nhà kính, vẫn còn đó những câu hỏi về việc chúng ta đã đo đạc và thu được dữ liệu gì về khí metan hay chưa? Vì trong trồng lúa, CO₂ không quan trọng bằng metan. Một tấn khí metan tương đương tới khoảng 30 tấn CO₂, cho nên nếu thật sự giảm được metan thì ý nghĩa rất lớn. Trao đổi về vấn đề này, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ:

“Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Môi trường có quy định tiêu chí để được gọi là “canh tác xanh” thì gồm có: một là giảm lượng giống, hai là giảm phân bón, ba là giảm thuốc trừ sâu, và bốn là giảm nước tưới.

Mà thật ra, cái cơ duyên nó đến đúng lúc. Đất mặn như vậy thì mình buộc phải canh tác theo kiểu đó thôi – nó ít nước, ít phân, ít sâu bệnh. Phải làm vậy thì mới thu hoạch bằng máy được. Ban đầu tỉnh đăng ký dự án chỉ khoảng 2.000 đến 10.000 ha, nhưng cuối cùng tự nhiên mở rộng ra tới 100.000 – 150.000 ha. Nó trùng khớp với tiêu chí của Bộ, thì thôi mình cũng tạm tin là mình đang làm đúng.

Còn về môi trường trồng lúa thì khá thuận lợi: đất ít nhiễm khuẩn, ít vi sinh vật có hại do độ ẩm thấp. Khu vực đó cũng không bị ảnh hưởng bởi thâm canh hay lây lan dịch bệnh. Gió biển, khí hậu ổn. Nói chung là tương đối an toàn. Mình đạt được hết mấy điều kiện đó, thì cũng có lý do để tin là làm tốt.”, ông Cua cho biết.

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, để một loại gạo được đánh giá là “gạo ngon” cần phải qua nhiều yếu tố.

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, để một loại gạo được đánh giá là “gạo ngon” cần phải qua nhiều yếu tố.

Bên cạnh đó, chia sẻ về câu chuyện gạo ST25 là “gạo ngon”, kỹ sư Hồ Quang Cua cũng chia sẻ về những yếu tố khoa học cũng như trải nghiệm hương vị gạo của bạn bè quốc tế về gạo ST25. Đối với ông Cua, đây là một câu hỏi… “khó trả lời”.

“Cái này cũng giống như mình hỏi: Yêu là gì? Khó trả lời lắm! Trước hết, ngon là do… thích. Ví dụ ST25 mình ăn thì thấy thơm, thấy ngon. Nhưng người Nhật ăn thì họ lại chê: “Mùi thơm gì mà hôi thế này!” – họ không chịu. Họ quen ăn gạo Japonica – loại không có mùi thơm. Mình đem Japonica trồng ở đây, thì tự nhiên lại có mùi thơm – họ lại bảo là không phù hợp, không thể đưa về Nhật được. Tức là ngon hay không, còn tùy vào cảm nhận từng người.

Nói về phương diện lý tính, thì đối với hạt gạo, tôi hay nói đùa chứ thật ra trắng, trong, dài, thon là tiêu chí về ngoại hình. Còn phần bên trong mới quan trọng. Đó là tỷ lệ phần trăm amylose, rồi độ bền gel, rồi nhiệt độ trở hồ, vân vân.

Đối với loại gạo dành cho số đông mà được xếp loại “sang”, thì amylose nó phải nằm trong khoảng từ 16 đến 19 phần trăm. Còn độ bền gel, cái này càng cao càng tốt. Nếp thì là 100 milimet, còn gạo của tôi thì đạt trên 90. Theo cơ quan nghiên cứu lúa gạo quốc tế, đặc biệt là bên Nhật, người ta nói khi độ bền gel lên tới trên 90 thì sẽ có rất nhiều người ưa thích”, ông Cua chia sẻ thêm.

Tương tự như vậy, với thị trường carbon để được công nhận là "tín chỉ chất lượng cao", các dự án cần vượt qua cả “cảm nhận” lẫn hệ thống tiêu chí khoa học rõ ràng. Việc gắn kết giữa người nông dân như ông Cua, vốn đang canh tác xanh một cách tự nhiên thì với thị trường carbon, không chỉ là chuyện chính sách, mà là câu chuyện kết nối giữa khoa học, thực tiễn và lòng tin.

Lối đi không mới, nhưng là tương lai

Nông nghiệp và lâm nghiệp từng bị coi là lĩnh vực phát thải "khó kiểm soát" do tính phân tán và đa dạng. Nhưng chính từ thực tế đó, Việt Nam đang có cơ hội lớn để xây dựng một mô hình thị trường carbon đặc thù, vừa mang tính bản địa, vừa phù hợp với xu thế toàn cầu.

Việt Nam chúng ta đang có những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, môi trường thuận lợi cùng với tư duy sáng tạo và ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân Nếu biết tận dụng tiềm năng của các mô hình như canh tác giảm phát thải, trồng rừng bền vững, quản lý chất thải nông nghiệp, thì Việt Nam hoàn toàn có thể vừa giảm phát thải, vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa tạo ra tín chỉ carbon có giá trị thương mại, phục vụ cả trong nước và quốc tế.

Đây không chỉ là lối đi của người nông dân, mà còn là lối đi của quốc gia. Lối đi xanh tới Net Zero, lối đi hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để người nông dân có thể vững vàng đi trên con đường đó, người nông dân cần phải hiểu về ý thức bảo vệ môi trường và hiểu về mục tiêu phát thải ròng bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đức Bách

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nganh-nong-lam-nghiep-viet-nam-huong-toi-netzero-2050-100648.html