Ngành nông nghiệp bứt phá từ những nhóm hàng tỷ USD

Dù đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức lớn từ thị trường quốc tế, cùng với những diễn biến khó lường của thiên tai và biến đổi khí hậu, đe dọa ổn định sản xuất và xuất khẩu.

Những con số tỷ USD

Từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Trong quá trình đó, năm 2024 được xem là năm bứt phá của toàn ngành và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62 tỷ USD, mức kỷ lục, cao hơn nhiều so với mục tiêu đã đề ra.

Ước tính, ngành nông lâm ngư nghiệp có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD.

Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều tăng trưởng hai con số. Cụ thể: cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.

Về thị trường, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ hai, tiếp đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và RCEP tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Các sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản và trái cây không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà còn gia tăng giá trị nhờ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và bền vững.

Dù có nhiều tiềm năng, ngành nông sản vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng và phát triển xanh đang đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đối diện với 5 thách thức lớn. Đó là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm, chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi và lãi suất ngân hàng có biến động.

"Không những vừa phải đối diện với các tiêu chí sản xuất, người sản xuất nông nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nông sản ngày càng tăng. Người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát", Thứ trưởng Tiến nhận định.

Bên cạnh đó, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp cần đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn vùng trồng và công tác đóng gói, chế biến.

"Việc chuẩn hóa và thí nghiệm sản phẩm là yếu tố sống còn để gia tăng uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững lâu dài", ông Yến nhấn mạnh.

Tiềm năng xuất khẩu nông sản trong năm 2025

Theo ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu các mặt hàng nông sản có triển vọng tăng trưởng tích cực trong quý I/2025. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm toàn cầu dự kiến tăng cao do nguồn cung tại nhiều quốc gia bị gián đoạn bởi xung đột vũ trang và sự cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc.

Đánh giá về thị trường, ông Phong cho rằng Hoa Kỳ với dân số lớn và mức tiêu dùng cao vẫn là thị trường còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt đối với các mặt hàng như thủy sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu và các loại trái cây nhiệt đới.

Còn tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 6,6% và 7,5% mỗi năm trong giai đoạn 2024-2029. Nhờ vị trí địa lý gần gũi, nông sản Việt Nam như rau, trái cây và thủy sản có thể giữ được chất lượng và độ tươi ngon khi vận chuyển sang thị trường này với chi phí hợp lý.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm như cao su và sắn do nguồn cung nội địa hạn chế.

Năm 2024, ngành nông lâm ngư nghiệp có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (Ảnh: HT).

Năm 2024, ngành nông lâm ngư nghiệp có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (Ảnh: HT).

Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý rằng các biến động địa chính trị và xung đột có thể tạo ra nhiều thách thức, đồng thời yêu cầu về phát triển xanh và bền vững sẽ đặt áp lực lớn lên các quốc gia xuất khẩu nông lâm sản, trong đó có Việt Nam.

Nhận định dư địa tăng trưởng còn nhiều, song ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, cho rằng: "Xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng còn không ít thách thức phía trước khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh bền vững".

Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, vị này đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Qua đó giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật trong xuất khẩu…

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nganh-nong-nghiep-but-pha-tu-nhung-nhom-hang-ty-usd-204241226163444719.htm