Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đường sá mở đến đâu, ấm no theo đến đó
Chiều nay (30/12), Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành Giao thông vận tải đạt được trong năm qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, ông có cảm xúc rất đặc biệt khi tham dự hội nghị này. "Đây là hội nghị có tính lịch sử khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới và ngành Giao thông vận tải sau gần 80 năm lại chuẩn bị bước vào thời kỳ mới", Phó Thủ tướng cho hay.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ có mô hình tổ chức mới, đồng bộ được vấn đề giao thông với xây dựng đô thị và nông thôn. Đây là sự thay đổi theo chiều hướng đồng bộ hơn, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu quả" theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
"Với sứ mệnh đi trước mở đường, ngành giao thông vận tải là ngành tạo ra sự kết nối của các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương và các quốc gia. Là ngành phát triển hạ tầng, đi trước mở đường, giao thông đi đến đâu, ấm no mở ra đến đó, cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không đều có bước phát triển đột phá, tạo sự kết nối các lĩnh vực kinh tế, địa phương và quốc gia với nhau. Năm 2024 là năm gặp nhiều khó khăn, song, Việt Nam đã ghi nhận nhiều điểm sáng: Thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI cao nhất; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo thấp,…”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá.
Chỉ xét ở lĩnh vực đường bộ, nếu trong gần 20 năm (từ năm 2021 trở về trước), cả nước mới đầu tư xây dựng được gần 1.200 km đường bộ cao tốc, thì chỉ trong 3 năm (2021-2024), tổng chiều dài đường cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác cả nước đã đạt hơn 800 km, đưa tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên 2.021 km.
Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, sau quá trình thực hiện sáp nhập, những việc gì đã làm tốt, cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh", từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ có tư duy đột phá, đổi mới, có sự tích hợp với quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp. Ngành giao thông vận tải cũng cần chủ động đón nhận cơ hội, đi đầu trong phát triển ngành công nghiệp, nhất là cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Song song với triển khai đồng bộ các phương thức giao thông, bộ cũng cần tính toán phát triển đồng bộ giữa các vùng miền. Các tuyến giao thông khi đầu tư phải được đặt trong hệ sinh thái, có tính liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư. "Năm 2025, ngành giao thông phải xác định các dự án đầu tư trọng điểm, đặt vấn đề cải cách thể chế về đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Các dự án trọng điểm như dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng,… cần đẩy nhanh các khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công và đưa dự án này vào dự án trọng điểm quốc gia để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ", Phó Thủ tướng nói.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc đột phá về đích. Đây cũng là năm cuối thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Toàn ngành hạ quyết tâm cao nhất thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đã đề ra.
Trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km; rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu đạt 3.000 km vào năm 2025. Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn nhất tiến độ cơ bản được bảo đảm; đặc biệt dự án sân bay quốc tế Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.
Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam; thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; đang tích cực triển khai dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025.
Đến hết tháng 12/2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.
Sang năm 2025, Bộ Giao thông vận tải khởi công hàng loạt các dự án như dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Túy Loan, cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh giai đoạn 1,… Bộ sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025, trong đó có dự án đường cất hạ cánh thứ 2; khẩn trương nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2025.
Năm 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến được giao số vốn đặc biệt lớn (87.000 tỷ đồng). Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, xác định nhiệm vụ giải ngân là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025 với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc bộ.