Ngành nông nghiệp 'dĩ bất biến, ứng vạn biến' trong bối cảnh mới

Trước công bố áp thuế đối ứng từ phía Mỹ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, nông sản Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng ngành sẽ phải dĩ bất biến, ứng vạn biến.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Ngày 3/4, chia sẻ với phóng viên bền lề Hội nghị Phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn, về việc Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng 46% lên Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng: "Nông sản Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định tăng thuế của Mỹ nhưng chúng ta sẽ phải dĩ bất biến, ứng vạn biến". Theo Thứ trưởng, từ trước đó, Việt Nam khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ đã phải đối mặt với nhiều rào cản, thách thức như chống bán phá giá nhưng các doanh nghiệp đều vượt qua.

Trong bối cảnh trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung chỉ đạo sản xuất, hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, từ đó đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ và tăng khả năng cạnh tranh với các thị trường khác.

Mặt khác, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó năm 2024 Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, Trung Quốc đạt 13,6 tỷ USD. Việt Nam còn xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản (chiếm 6,7% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này ra thế giới), Hàn Quốc xấp xỉ 4,5%, Philippines đạt trên 5%...

Do đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường như mở rộng sang châu Âu hay Trung Quốc. Trung Quốc với quy mô 1,4 tỷ dân sẽ là thị trường để Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam đã ký kết nhiều nghị định thư về nông sản với nước này như sầu riêng, cá sấu...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cho rằng, Việt Nam sẽ phải xem xét giải pháp, tổ chức thực hiện các ngành, lĩnh vực cụ thể như thế nào trong bối cảnh trên, để đạt được mục tiêu ngành nông nghiệp đã đề ra năm 2025.

Năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 4%. Hết quý 1/2025, ngành nông nghiệp dự kiến tăng trưởng đạt 3,69%. Năm nay, ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu xuất khẩu mang về 64 - 65 tỷ USD, riêng quý 1/2025 ngành đã đạt khoảng 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Mỗi đối tượng có điểm nghẽn thì chúng ta phải khơi thông, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực, chủ động hội nhập, đồng thời nâng cao sản lượng cũng như giá trị, từ đó góp phần vào mục tiêu xuất khẩu chung của ngành là 64 - 65 tỷ USD như đã đề ra,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trước câu hỏi về phương án ứng phó đối với ngành thủy sản - ngành được cho là chịu tác động nặng nề khi Mỹ tăng thuế, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2024 Việt Nam sản xuất được 1,3 triệu tấn tôm với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD; cá tra cũng đạt sản lượng dẫn đầu thế giới với 1,65 triệu tấn, mang về hơn 2 tỷ USD giá trị xuất khẩu.

Chính vì vậy, Việt Nam cần làm mới động lực ngành tôm để tăng năng lực cạnh tranh với Ấn Độ, Ecuador; các sản phẩm tôm tiếp tục đảm bảo chất lượng, yêu cầu của thị trường Mỹ; các lô hàng xuất khẩu hạn chế tối thiểu hàm lượng kim loại, vi sinh vật để doanh nghiệp duy trì được thị trường.

Việt Nam cũng cần tập trung nâng cao chất lượng, năng suất nuôi tôm, đảm bảo con giống, đảm bảo tăng trưởng, giảm tiêu tốn thức ăn…. Với 740.000 ha nuôi tôm phải chuyển sang nuôi thâm canh, bởi nếu nuôi quảng canh chỉ đạt 6 tấn/ha, còn nuôi thâm canh sản lượng có thể đạt 60 tấn/ha.

Trong khi đó, cá tra tiếp tục phát huy các lợi thế đang có, đồng thời tập trung phát triển con giống. Mỗi năm, vùng ĐBSCL cần 4,5 tỷ con giống cá tra. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó chỉ có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm, 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống).

Vào ngày 2/4 theo giờ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các mức thuế đối ứng toàn cầu. Trong đó, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế. Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức 20 - 26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.

Tổng thống Donald Trump chia sẻ mức thuế trên vẫn có thể thay đổi trong tương lai. “Đây chưa phải là chính sách thuế đối ứng hoàn toàn”, ông phát biểu và khẳng định mức này có thể giảm xuống nếu các đối tác thương mại đáp ứng yêu cầu của Nhà Trắng.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nganh-nong-nghiep-di-bat-bien-ung-van-bien-trong-boi-canh-moi-40007.html