Ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn
Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) diễn biến phức tạp, giá một số cây trồng chủ lực giảm so cùng kỳ,... ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Dịch tả heo châu phi hoành hành
DTHCP đã xuất hiện ở 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 232 ổ dịch và tiêu hủy trên 7.200 con heo. Theo đánh giá của ngành chức năng, dịch bệnh lây lan rất nhanh gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi. UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống bệnh DTHCP và ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 06/3/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTHCP, nhưng dịch cứ lan rộng và rất khó kiểm soát.
Tại huyện Đức Hòa, DTHCP xảy ra ở 46 hộ tại 13 xã và đã tiêu hủy trên 1.100 con heo. Trước tình hình trên, huyện đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống dịch. Theo đó, huyện vận động các hộ chăn nuôi có heo bị bệnh, chết thực hiện tiêu hủy bắt buộc bằng phương pháp chôn lấp; công bố dịch bệnh trên địa bàn các xã có dịch và xác định vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; tổ chức lập các chốt sát trùng trên các tuyến đường ra, vào ổ dịch bằng vôi bột và phun thuốc; hướng dẫn thực hiện quy trình tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nhà xưởng các hộ chăn nuôi trong vùng dịch.
Bên cạnh đó, đội phản ứng nhanh phối hợp UBND xã kiểm tra, xác minh, lấy mẫu test để triển khai kịp thời giải pháp, xử lý nhanh, nhịp nhàng, tránh lây lan. Theo đánh giá của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đức Hòa - Nguyễn Tấn Triều, nguyên nhân các ổ dịch trên địa bàn dương tính với DTHCP do xe vận chuyển thức ăn vào chuồng nuôi heo, một số hộ sử dụng thức ăn dư thừa, mua heo về nuôi, mua thịt về sử dụng hàng ngày,…
Để phòng, chống tốt hơn bệnh DTHCP, các xã cần nắm rõ phạm vi lân cận 3km để khuyến cáo người dân thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng; tăng cường quản lý cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt heo trên các chợ; vận động người dân chăn nuôi theo hướng an toàn, tiêm phòng vắc-xin các loại bệnh như tai xanh, lở mồm long móng. Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, huyện chuẩn bị 5 máy phun xịt, 300 lít thuốc sát trùng, 50 bộ đồ bảo hộ lao động, 10 cuộn bạt phủ và tỉnh hỗ trợ 11 tấn vôi bột, 400 lít thuốc sát trùng để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thú y năm 2015. Ngoài ra, 2 chốt kiểm dịch đặt tại xã Đức Lập Hạ và Mỹ Hạnh Bắc luôn bảo đảm, ca trực có cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Thú y xã, Cảnh sát giao thông và Công an xã. Lũy kế từ khi lập chốt đến nay, huyện kiểm tra trên 1.900 xe với hơn 174.000 con heo.
Tại huyện Bến Lức, dịch bệnh xảy ra ở 38 hộ tại địa bàn 8 xã và tiêu hủy trên 990 con heo. Tuy nhiên, hiện có 2 xã: Phước Lợi, Lương Bình đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng đến nay không phát sinh ca bệnh mới. Dự kiến trong tuần, địa phương sẽ đề nghị UBND huyện công bố hết dịch. Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết: “Hiện nay, tốc độ lây lan DTHCP rất nhanh. Do đó, các ngành chức năng, UBND xã, thị trấn cần phối hợp đồng bộ, đeo bám địa bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu tính nguy hiểm của DTHCP trong chăn nuôi heo để họ không giấu dịch; vận động người dân không tái đàn, giảm đàn. Đặc biệt, các xã không chủ quan để dịch lây lan, phát sinh ổ dịch mới, tránh thiệt hại cho người dân”.
Giá nhiều cây trồng giảm
Không chỉ người chăn nuôi heo gặp khó bởi DTHCP mà nông dân trồng lúa cũng lao đao vì giá lúa xuống thấp. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, tình hình tiêu thụ lúa không thuận lợi, một số doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu cánh đồng lớn không mua hết sản lượng lúa theo hợp đồng; giá lúa, nếp tươi bán tại ruộng giảm mạnh từ 600-1.200 đồng/kg so cùng kỳ năm 2018.
Hiện lúa Hè Thu 2019 thu hoạch được 116.467ha, năng suất khô ước đạt 45,9 tạ/ha, sản lượng 234.398 tấn. Giá lúa tươi tại ruộng ở mức thấp: Lúa IR50404 từ 4.000-4.200 đồng/kg; lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 5.000-5.700 đồng/kg; nếp từ 5.300-5.800 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 từ 5.500-5.900 đồng/kg, lúa ST 24 từ 5.500-5.700 đồng/kg. Qua ghi nhận thực tế cho thấy, giá lúa trong vụ Hè Thu 2019 ở mức rất thấp so cùng kỳ các năm trước. Theo nhiều nông dân trồng lúa, chi phí sản xuất lúa trong vụ Hè Thu 2019 ước tăng ít nhất khoảng 100.000-200.000 đồng/1.000m2 so với vụ Đông Xuân 2018-2019 và vụ Hè Thu 2018. Giá thuê nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu và một số chi phí sản xuất đầu vào khác đều tăng.
Anh Nguyễn Thế Anh, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, cho biết: “Hầu hết người trồng lúa hiện nay đều bán lúa tươi cho thương lái ngay sau thu hoạch nhưng với giá không cao. Từ đầu vụ, lúa tươi IR50404 có giá 4.500 đồng/kg, thấp hơn khoảng 500-700 đồng/kg so cùng kỳ năm 2018, nhưng sau đó giá giảm dần và có nhiều hộ dân phải chấp nhận bán lúa với giá 3.900-4.200 đồng/kg.Vụ này, hơn 4ha lúa IR50404 của tôi đạt năng suất bình quân 5-6 tấn/ha, nhưng bán với giá có 4.200 đồng/kg, tính ra mỗi hécta lúa chỉ lời hơn 5 triệu đồng.Riêng những hộ dân mướn đất sản xuất lúa trong vụ này đa phần đều bị lỗ”. Bà Nguyễn Thị Sen, ngụ cùng địa phương, chia sẻ: “Do vụ này năng suất lúa đạt thấp so với vụ Đông Xuân, bình quân chỉ 5-7 tấn/ha, chi phí sản xuất tăng, giá lúa rẻ nên nông dân rất khó có lời. Thực tế, dù lợi nhuận từ cây lúa bị sụt giảm nhưng nông dân chúng tôi vẫn quyết định tiếp tục gắn bó với cây lúa, bởi chưa có điều kiện để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác bảo đảm hiệu quả hơn. Do vậy, nông dân rất mong Nhà nước sớm có các giải pháp để tìm đầu ra tốt hơn cho cây lúa; tăng cường kiểm tra bảo đảm chất lượng và giá cả các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Đồng thời, ngành chức năng hỗ trợ nông dân ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống dịch bệnh hại lúa và tăng cường chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm”.
Bên cạnh đó, các loại nông sản khác cũng tiêu thụ không thuận lợi so với các niên vụ trước và giá bán thấp hơn so cùng kỳ năm 2018. Giá mía duy trì ở mức thấp, thương lái thu mua tại ruộng khoảng 40.000-50.000 đồng/tấn, giảm 110.000- 150.000 đồng/tấn nên diện tích mía ngày càng giảm. Giá chanh có hạt từ 7.000-15.000 đồng/kg, thấp hơn 3.000-10.000 đồng/kg; chanh không hạt từ 10.000-20.000 đồng/kg, thấp hơn 5.000-10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2018.Giá thanh long ruột trắng 7.000-15.000 đồng/kg, ổn định; thanh long ruột đỏ từ 20.000-40.000 đồng/kg, thấp hơn 5.000-10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2018.
Cần tập trung phối hợp
Trước khó khăn trên, Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền chỉ đạo: “Các đơn vị trực thuộc sở tập trung phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi, thông tin kịp thời về thời tiết, khí hậu, thủy văn; chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; tập trung sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông 2019; chú trọng duy trì và phát triển các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao và sản lượng lớn; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; khẩn trương tập trung thực hiện các giải pháp chống DTHCP; tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm ở các huyện vùng hạ; tăng cường quản lý, khuyến cáo, hướng dẫn việc ươm, nuôi cá tra bột ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các cánh đồng lớn, thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo kế hoạch, tập trung xây dựng các hợp tác xã điểm trên 3 cây và 1 con gắn với việc tăng cường khuyến cáo, vận động, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất theo mô hình, hợp tác xã điểm, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và tuân thủ các cam kết, hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra;...”./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nganh-nong-nghiep-gap-nhieu-kho-khan-a80031.html