Ngành nông nghiệp kiên định mục tiêu 55 tỷ USD xuất khẩu
Mặc dù trong 6 tháng cuối năm nhiều khó khăn, nhưng ngành nông vẫn quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; tập trung vào xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu để kiên định mục tiêu 55 tỷ USD xuất khẩu…
Tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển, ngày 3/7/2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%.
ĐIỂM SÁNG GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG
Ông Vũ Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%.
Đặc biệt, về công tác đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lọt top 5 các Bộ/ngành có mức giải ngân đầu tư công cao nhất cả nước. Tổng kế hoạch vốn năm 2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 9.852 tỷ đồng (vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng).
Đến ngày 30/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước giải ngân 3.098,3 tỷ đồng, đạt 31,4% kế hoạch, cao hơn so với mức đạt 26% của 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, vốn trong nước đạt 32,7% và vốn ODA 27%.
Đến hết tháng 6/2023, cả nước có 6.011/8.177 xã, chiếm 73,5% đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 0,43% so với cuối năm 2022. Trong đó, có 1.326 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 335 xã) và 174 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 53 xã).
Đề cập về xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2023, ông Vũ Văn Việt cho biết tuy kim ngạch giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đạt 24,59 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng nông sản chính là điểm sáng khi đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%...
Trong khi xuất khẩu nông sản tăng, thì xuất khẩu thủy sản và lâm sản sụt giảm. Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho hay giá trị xuất khẩu lâm sản nửa đầu năm 2023 đạt khoảng 6,42 tỷ, giảm 28%. Giá trị xuất siêu 5,32 tỷ USD, bằng 70% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân do người tiêu dùng EU, Mỹ thắt chặt chi tiêu, giảm sản phẩm từ gỗ, khiến việc ký kết và mở thêm đơn hàng mới không được phát triển thêm. Giá dăm và viên nén giảm mạnh, chi phí nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao do ảnh hưởng xung đột.
Thêm vào đó, tác động tức thì vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá ván dán, tủ bếp, bàn trang điểm. Ngoài ra, doanh nghiệp đang đối diện với những khó khăn về cơ chế chính sách, chi phí bảo hiểm xã hội, hoàn thuế giá trị gia tăng.
ĐIỂM SÁNG RAU QUẢ VÀ GẠO
Nói về điểm sáng rau quả trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng Rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới và có thể đạt kim ngạch 10 tỷ USD/năm trong tương lai.
“Trước xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, diện tích trồng trọt sẽ giảm và có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả, nhưng trong tương lai, nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, cộng với sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước cho khâu chế biến thì vẫn có thể tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu”, ông Cường nói.
"Nhờ sản lượng lúa thu hoạch tăng, không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, mà dự kiến sẽ xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, thu về chắc chắn trên 4 tỷ USD".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ trình họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trên cả nước bị suy giảm, thậm chí có những ngành bị “tê liệt”, nhưng sản xuất nông nghiệp và duy trì tốt. Tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%.
Đánh giá về bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng tuy kim ngạch có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng phân tích về ngành hàng thì lại nổi lên những điểm sáng. Điển hình như với rau quả đạt tăng 64,2%, gạo 2,3 tỷ USD tăng 34,7%.
“Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Nếu 6 tháng cuối năm chúng ta giữ được nhịp độ này thì dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Nếu làm tốt công tác giống, chế biến sâu, mở rộng thị trường, thì trong tương lai, con số 10 tỷ USD xuất khẩu rau quả khẳng định sẽ đạt được”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, với trị giá 3,49 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD…
“Từ trước tới nay, người dân vẫn quan niệm năm nhuận thì năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay không xảy ra tình trạng đó, vì Bộ đã đúc kết kinh nghiệm, hướng dẫn bà con các kỹ thuật. Năm nay, diện tích trồng lúa giảm, nhưng sản lượng lúa thu hoạch vụ đông xuân vẫn tăng", ông Phùng Đức Tiến thông tin.
TẬN DUNG MỌI CƠ HỘI ĐỀ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH
Nhận định bức tranh xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.
Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu giảm, các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ.
"Nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc để cho doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký và doanh nghiệp này được mua qua các cơ sở sơ chế, hoặc đại lý thì theo luật mới của EU, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký".
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nôn sản.
Thị trường EU là thị trường dẫn dắt các quy định của thị trường xuất khẩu thế giới, theo đó, nếu như trước đây là các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Chúng ta cần có những chính sách quy định về truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu về thị trường.
“Như vậy, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm để đảm bảo việc các thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng chứ không bị thu hẹp lại”, ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp cũng chịu những tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn ở mức cao, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, toàn ngành vẫn quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lầm thủy sản 54 - 55 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%...
“Muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7 - 8%. Đối với xuất khẩu, giải pháp xúc tiến thị trường là rất quan trọng, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-nong-nghiep-kien-dinh-muc-tieu-55-ty-usd-xuat-khau.htm