Ngành nông nghiệp nỗ lực thực hiện Luật An toàn thực phẩm
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, những năm qua hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều áp dụng và tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Các cơ sở có ý thức nâng cấp đầu tư nhà xưởng phù hợp với hệ thống quản lý chất lượng. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc theo dõi, ghi chép hồ sơ quản lý chất lượng ở một số cơ sở còn lúng túng, chưa đều.
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, kết quả thực hiện Luật An toàn thực phẩm (ATTP) trong những năm qua ở một số sản phẩm rau, củ quả tươi chủ yếu trên địa bàn tỉnh là thanh long, rau, sơ chế, chế biến rau quả. Trong 10 năm trở lại đây, chi cục đã hỗ trợ 24 cơ sở, doanh nghiệp áp dụng HACCP, Viet GAP và ISO. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn 226 cơ sở nông sản, thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến GMP, SSOP…
Trong đó, toàn tỉnh với diện tích thanh long khoảng 30.000 ha, sản lượng gần 700.000 tấn/năm. Nhiều năm qua, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học nhằm giảm lượng phân bón hóa học và tăng chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long đã được người dân áp dụng vào sản xuất. Phương thức sản xuất được chuyển dần từ riêng lẻ sang hình thức liên kết sản xuất. Tuy nhiên do thanh long chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc theo hình thức biên mậu. Mặt khác, giá cả chưa có sự khác biệt giữa thanh long được chứng nhận VietGAP và không VietGAP nên tác động đến tâm lý của người kinh doanh, tác động đến việc tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng của người trồng. Về mặt hàng rau, toàn tỉnh hiện duy trì 50 ha trồng rau an toàn. Dù vậy, một số hộ trồng vẫn sử dụng dư lượng thuốc bảo vệ thực vượt quá mức quy định, ngoài danh mục được phép sử dụng.
Ở lĩnh vực sơ chế, chế biến rau quả, chủ yếu tập trung chế biến trái thanh long và hạt điều. Toàn tỉnh có trên 130 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, chế biến thanh long. Những năm gần đây, công nghệ chế biến thanh long có sự đổi mới với các sản phẩm chế biến từ thanh long gồm thanh long sấy, nước ép, sirô…
Doanh nghiệp, nông dân đã có ý thức hơn về ATTP
Trong năm qua, tổng năng lực chế biến sản phẩm thanh long của toàn tỉnh vào khoảng 182.000 tấn/năm, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên lượng thanh long đưa vào chế biến hàng năm chỉ đạt 32% so với tổng năng lực chế biến (58.460 tấn), và đạt khoảng 8,4% tổng sản lượng thanh long toàn tỉnh. So với những năm trước đây, các cơ sở thu mua sơ chế đóng gói thanh long khắc phục việc sử dụng chất bảo quản không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, trên địa tỉnh có 10 cơ sở chế biến hạt điều, trong đó 8 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP, 2 cơ sở được chứng nhận HACCP, với tổng công suất chế biến 22.680 tấn/năm, vượt sản lượng điều của tỉnh 10.539 tấn. Đáng chú ý, công nghệ chế biến hạt điều tương đối hiện đại so với những năm trước đây nhưng vẫn ở quy mô nhỏ. Sản phẩm chế biến chủ yếu là nhân hạt điều xuất khẩu chiếm khoảng 90% sản lượng. Phần lớn các cơ sở chế biến vẫn duy trì quy mô nhà xưởng phù hợp, có theo dõi hồ sơ quản lý chất lượng, hàng năm đều được kiểm tra đạt điều kiện ATTP.
Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay việc quản lý ATTP đối với sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản rau, củ, quả tươi… có nhiều chuyển biến so với những năm đầu thực hiện Luật ATTP. Đã có nhiều doanh nghiệp, HTX, trang trại đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP… So với trước đây người trồng trọt đã có ý thức hơn trong sử dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật. Cơ sở thu mua, đóng gói thanh long đã có nhiều chuyển biến trong thực hiện điều kiện ATTP. Tuy nhiên việc trồng trọt rau, quả vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, còn xảy ra trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả quá hàm lượng cho phép.
Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Luật ATTP. Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất các địa phương đẩy mạnh quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia tích cực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản trong và ngoài nước.
Ngày 17/6/2010, Quốc hội ban hành Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (năm 2012); Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm (năm 2018)…