Ngành nông nghiệp Thanh Hóa bội thu trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã đạt hơn 18.830 tỷ đồng, năng suất lúa vụ đông xuân đạt cao nhất từ trước đến nay...
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Kết quả tăng trưởng chung ấy có đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp Thanh Hóa với sự duy trì phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,87%, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ (1,93%).
Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt hơn 18.830 tỷ đồng, đã giúp nông dân ổn định thu nhập, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có mức tăng trưởng cao. Với đa phần các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phát triển nông nghiệp vẫn là trụ cột trong phát triển kinh tế, là nền tảng duy trì sự ổn định để tạo tiền đề phát triển những ngành kinh tế khác.
Trên thực tế, thời điểm nửa đầu năm nay, ngành nông nghiệp Thanh Hóa với những tín hiệu vui, cụ thể như năng suất lúa vụ đông xuân đạt cao nhất từ trước đến nay (trung bình 67 tạ/ha), đã đưa tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt gần 890.000 tấn.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, giá trị sản xuất ngành trồng trọt 6 tháng đầu năm đạt khoảng hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Những năm gần đây, Thanh Hóa đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất và thu mua, chế biến nông sản, vì vậy hiện toàn tỉnh này vẫn duy trì 7 doanh nghiệp lớn thu mua, chế biến lúa gạo với tổng công suất 180.000 tấn và khoảng 25 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên 50.000 ha cây trồng.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm có quy mô lớn và giá trị kinh tế cao tiếp tục được nhân rộng như sản xuất lúa giống F1 tại các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa...
Ngoài ra, trong phát triển kinh tế lâm nghiệp tạo ra con số ấn tượng với giá trị sản xuất đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm. Ngoài các hoạt động chăm sóc và trồng mới, sản lượng các loại gỗ và tre luồng khai thác đạt 530.000m3.
Đáng nói, với việc phát triển nhiều nhà máy chế biến lâm sản, nhất là tre luồng tại huyện Lang Chánh và nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tránh được tình trạng xuất bán sản phẩm thô, đưa giá trị lâm sản của tỉnh cao gấp nhiều lần.
Hiện nay, cả tỉnh Thanh Hóa có 7 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) với các nhà máy chế biến; diện tích rừng được cấp chứng chỉ đạt gần 28.500 ha. Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản của tỉnh Thanh Hóa trong 6 tháng qua đều có sự tăng trưởng từ 5% trở lên với giá trị sản xuất lần lượt 5.364 tỷ đồng và 3.253 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp Thanh Hóa vừa đón thêm tin vui, khi trung tuần tháng 6/2023, lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam đã chính thức có mặt tại thị trường Anh quốc và Nhật Bản, đây là dấu mốc quan trọng cho loại quả đặc sản thứ 4 của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường “khó tính” này. Giống vải không hạt nhập khẩu từ Nhật Bản được chọn tạo và trồng thử nghiệm từ năm 2019 trên diện tích 30 ha tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc của tỉnh Thanh Hóa.
Loại vải này được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đạt chứng chỉ hữu cơ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Canada và các nước EU. Giá loại vải này hiện nay cung ứng trên thị trường nội địa khoảng 170.000đ/kg, xuất khẩu sang nước ngoài (phụ thuộc vào từng nước) giao động hơn 800.000đ/kg.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Thanh Hóa sẽ cùng với công ty và các đơn vị liên quan cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ khảo sát chọn ra những cây đầu dòng tốt nhất để làm giống, tiếp tục mở rộng trên phần diện tích công ty đang quản lý khoảng 700ha.
Ngoài ra, Thanh Hóa hiện này các còn có các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như tinh bột sắn (Ngọc Lặc) với kế hoạch năm nay sẽ xuất khẩu sáng thị trường Trung Quốc là 28.000 tấn, khoảng 2.000 tấn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sáng một số nước Châu Âu. Tiếp đến, Thanh Hóa có các loại quả như: dứa gai, dưa bao tử, vải thiều...sang thị trường EU, Châu Á và một số nước như Nga, UAE, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan... với số lượng lớn.
Theo thông tin từ Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt gần 26 triệu USD. Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ như tinh bột sắn (tăng 7%), rau quả (tăng 6,5%)... cũng theo thống kê của Phòng Chế biến và Thương mại nông sản, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản, tỉnh Thanh Hóa hiện có 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Một số thị trường tiêu biểu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, một số nước khu vực EU... Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn cho nông sản Thanh Hóa. Đây cũng là thị trường có nhiều tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ dân số đông và nhu cầu đa dạng.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-nong-nghiep-thanh-hoa-boi-thu-trong-6-thang-dau-nam.htm