Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022
Sáng 29-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan của tỉnh.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Năm 2021, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các HTX, bà con nông dân đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt “mục tiêu kép”; vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến báo cáo tại hội nghị.
Năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,85-2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD. Nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: Sản xuất lúa đạt sản lượng đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Năm 2022, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản đạt 2,9 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng…
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tại Thanh Hóa, năm 2021 Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt dịch COVID-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tuy nhiên ngành đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của tỉnh, sự phối hợp tích cực của các cấp, ngành, địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành và bà con nông dân, nên tiếp tục đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng đạt 3,58%, vượt 0,58% kế hoạch (KH). Sản lượng lương thực đạt 1,611 triệu tấn; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 7.732 ha, vượt 10% KH. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,5%, đạt 100% KH. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%, đạt 100% KH. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm, toàn tỉnh có thêm 3 huyện, 24 xã đạt chuẩn NTM, 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu. Có 89 sản phẩm OCOP, vượt 11,25% KH.
Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2022 toàn ngành phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,6% trở lên. Trong đó: Nông nghiệp 3,17%; lâm nghiệp 6,5%; thủy sản 4%. Sản lượng lương thực giữ mức 1,5 triệu tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,6%. Có thêm 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí NTM/xã. Có thêm 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm cấp Quốc gia. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 97%.
Tại hội nghị đại biểu ở các điểm cầu Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả nước đã nỗ lực vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, biến đổi khí hậu để đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhằm khai thác được tiềm năng và thế mạnh, khắc phục được những khó khăn, hạn chế, thích ứng linh hoạt với những diễn biến mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả.
Ngành nông nghiệp cũng cần bám sát tình tình thực thế để cụ thể hóa những đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp, sau đó xác định trọng tâm trọng điểm cụ thể và có lộ trình thực hiện. Đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào một, hai thị trường nhất định.
Cần nâng cao năng lực chế biến vì muốn sản xuất lớn rất cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ về thị trường, vốn cho người nông dân. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.
Về vấn đề phát triển kinh tế biển, Thủ tướng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với dự báo thị trường cũng như tình hình liên quan để phát triển, xây dựng chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải metan, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng… Ngành nông nghiệp cần phát triển kinh tế vùng, phát triển chuỗi sản phẩm, liên kết quốc tế; đầu tư công nghệ, thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp.
Việc nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người nông dân là mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, hải đảo và các đối tượng yếu thế. Vì vậy, các đơn vị cần triển khai nhanh việc phân bổ nguồn vốn để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.