Ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều 13/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Hà Nhật Lệ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chỉ đạo. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố; một số doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2024, trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai gây nhiều khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, song ngành NN&PTNT tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 97.985 ha, tăng 2% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 290,761 nghìn tấn. Tổng đàn trâu có 106.609 con; tổng đàn bò có 101.841 con; tổng đàn lợn 346.195 con; gia cầm 3.129,3 nghìn con; tổng đàn gia cầm 3.129,3 nghìn con...
Công tác di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 2.331 hộ di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà, đạt 122,3% kế hoạch. Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 48 triệu đồng/ha; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 593,37 tấn, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 119,32 tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 474,05 tấn.
Về công tác quản lý bảo vệ rừng, toàn tỉnh trồng 1.659 ha rừng. Trong đó, trồng rừng sản xuất 1.017 ha, rừng phòng hộ 59,3 ha; phát hiện, xử lý 204 vụ vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng; tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu hơn 100,971 m3 gỗ thông thường, 1,547 m3 gỗ quý hiếm, 1.167 cá thể. Tổng số tiền phạt và bán lâm sản bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng. Toàn tỉnh thành lập 15 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh lên 177 HTX.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ DN, HTX và người dân tham gia đầu tư vào nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn được quan tâm triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có 17 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 8/17 xã duy trì đạt chuẩn NTM, có 2/5 xã đạt 17 - 18 tiêu chí, đạt 40% so với kế hoạch, gồm xã: Hồng Việt (Hòa An), Đàm Thủy (Trùng Khánh) đạt 17 tiêu chí; Đức Xuân (Thạch An) đạt 16 tiêu chí; Mỹ Hưng, Bế Văn Đàn (Quảng Hòa) đạt 16 tiêu chí. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP (trong đó có 10 sản phẩm OCOP đạt 4 sao).
Tuy nhiên, ngành NN&PTNT vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do tình hình thời tiết không thuận lợi, xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn, ngập úng, lũ lụt, sạt lở đất dẫn đến sản lượng vụ xuân bị thiếu hụt. Quy mô diện tích sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, giá cả nông sản chưa ổn định, thị trường tiêu thụ trên địa bàn còn bấp bênh, nông dân chưa mạnh dạn mở rộng diện tích và đầu tư vào sản xuất; chưa mạnh dạn trong vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tạo ra sản phẩm hàng hóa, chưa tạo được sức hút để DN đầu tư, liên kết trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về tình hình khắc phục hậu quả thiên tai; công tác quản lý bảo vệ rừng; tiêu chí thu nhập trong thực hiện chương trình xây dựng NTM; định hướng quy hoạch vùng về phát triển trang trại chăn nuôi; tạo cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Năm 2025, ngành NNN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại chăn nuôi, giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị, tiếp tục triển khai các giải pháp chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại. Duy trì ổn định tỷ lệ tăng đàn, triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn và tăng đàn. Tập trung thu hút và hỗ trợ để các dự án chăn nuôi tập trung sớm đi vào hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất; thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, phòng, chống rét đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm ngành nông nghiệp.
Phấn đấu tổng sản phẩm (GRDP) nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng 3,3%; giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 50 triệu đồng/ha; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 60%; duy trì 17 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu có thêm ít nhất 13 xã đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh ước đạt 95%.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nhật Lệ đề nghị, ngành NNN&PTNT tiếp tục bám sát các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh; tham mưu các cơ chế chính sách về lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ưu tiên nguồn lực cho nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2025; quan tâm chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp; kế hoạch đột phá trong phát triển nông nghiệp; thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm...
Tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nghiêm cam kết với DN, HTX trong việc bao tiêu sản phẩm; thực hiện tốt công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh công tác trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng theo mục tiêu đề ra; rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp.
Chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới đảm bảo hiệu quả, phù hợp; chủ trì, phối hợp hiệu quả với các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp và các chương trình, chính sách, đề án, dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn... Chủ động, khắc phục kịp thời hệ thống kênh mương bị hư hỏng do ảnh hưởng cơn bão số 3 để phục vụ sản xuất đông xuân năm 2024 - 2025; chú trọng công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm...