Ngành nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh từng bước hồi phục sau bão

Sau bão số 3, tỉnh Quảng Ninh có gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề, thậm chí có hộ bị thiệt hại từ 30-70%, nhiều hộ mất trắng tài sản, con giống do bão. Để khắc phục khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương khắc phục những thiệt hại, bắt tay vào khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo huyện Vân Đồn kiểm tra công tác bàn giao khu vực nuôi biển cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

Lãnh đạo huyện Vân Đồn kiểm tra công tác bàn giao khu vực nuôi biển cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

Là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về thủy sản do bão số 3, ước tính tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.000 tấn, cùng hàng chục nghìn tấn hàu, cá mới thả giống, tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 2.200 tỷ đồng.

Là hộ nuôi cá lồng bè đã nhiều năm, bác Phạm Văn Đông ở thị trấn Cái Rồng chia sẻ: “Bão số 3 quét qua cuốn đi bao nhiêu công sức gây dựng của gia đình tôi giờ chỉ còn lại con số không. Thiệt hại là quá nặng nề, thế nhưng xác định gắn bó và sống nhờ biển nên chúng tôi tranh thủ trục vớt lại những lồng bè, phao nổi còn sót lại để tận dụng, khôi phục hoạt động nuôi trồng của gia đình”.

Để kịp thời hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản sau bão, mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn đã trao quyết định giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho hộ ông Đông cùng 4 hộ nuôi trồng ở khu vực Hòn Béo Cò với diện tích 0,5ha/hộ.

Các hộ nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn tranh thủ xuống giống sau bão số 3.

Các hộ nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn tranh thủ xuống giống sau bão số 3.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn; Cùng với việc triển khai các giải pháp hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất sau bão số 3, huyện cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ giao biển. Theo kế hoạch huyện sẽ giao biển cho 85 hợp tác xã với hơn 1.000 hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Đến nay, huyện Vân Đồn đã tiếp nhận 850 đơn của cơ sở nuôi trồng thủy sản đề nghị hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP (ngày 9/1/20217) của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất do thiên tai dịch bệnh với diện tích hơn 2.892ha.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn đã rà soát 276 trường hợp khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão với tổng dư nợ là 304 tỷ đồng; thực hiện kéo dài thời gian trả nợ cho 123 trường hợp, tổng nguồn vốn 99,901 tỷ đồng, thực hiện miễn giảm lãi vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến hết năm 2024 cho 276 trường hợp, tổng số tiền 507 triệu đồng.

Lực lượng chức năng của phường Tân An, thị xã Quảng Yên kiểm đếm thiệt hại do bão số 3 của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Lực lượng chức năng của phường Tân An, thị xã Quảng Yên kiểm đếm thiệt hại do bão số 3 của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Đồn cũng rà soát 1.434 trường hợp hộ vay vốn bị thiệt hại do bão với tổng nguồn dư nợ là 103,3 tỷ đồng và chưa thu lãi đối với khách hàng do ảnh hưởng của bão số 3 đến hết 31/12/2024; gia hạn nợ đối với toàn bộ khách hàng đến hạn trả nợ cuối, khoanh nợ đối với 168 trường hợp, tổng nguồn vốn 11,8 tỷ đồng.

Các ngân hàng trên địa bàn huyện Vân Đồn cũng đang rà soát cho vay mới 22 trường hợp, tổng vốn vay 24 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn Đào Văn Vũ cho biết: “Đến thời điểm này, huyện đã cơ bản giao cho các hộ dân có nhu cầu tái thiết sản xuất với hơn 6.000ha khu vực biển trên địa bàn. Toàn huyện đã có 50% số lồng bè nuôi cá được các hộ khôi phục trở lại so với thời điểm trước bão số 3 và có hơn 50 hộ xuống giống gần 300ha hàu.

Hiện, các hợp tác xã, hộ dân khác cũng đang khẩn trương sắp xếp lại vùng nuôi, tiến hành thả phao và xuống giống khi có đủ các điều kiện, đồng thời phối hợp với các sở, ngành của tỉnh lên phương án sơ đồ giao khu vực biển, hoàn thành đánh giá tác động môi trường để khẩn trương báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh giao khu vực biển cho các hộ dân, đơn vị yên tâm sản xuất”.

Không chỉ tại Vân Đồn, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trong tỉnh như: Cẩm Phả, Quảng Yên, Đầm Hà cũng đã bắt tay vào khôi phục sản xuất. Đến nay đã có khoảng 30% cơ sở trên địa bàn tỉnh xuống giống nuôi hàu. Trong thời gian tới, số cơ sở nuôi thủy sản khôi phục sản xuất sẽ tăng dần nếu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực vực dậy, tiếp tục tái thiết sản xuất sau bão.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản của phường Tân An, thị xã Quảng Yên bị thiệt hại nặng nề do bão số 3.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản của phường Tân An, thị xã Quảng Yên bị thiệt hại nặng nề do bão số 3.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh Đỗ Đình Minh cho biết: “Hiện nay, cùng với triển khai các cơ chế chính sách của trung ương về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, Chi cục đã nghiên cứu, tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù để không những khôi phục sản xuất mà còn hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất thủy sản trong thời gian tới”.

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, cùng với sự nỗ lực vực dậy sản xuất của các cơ sở nuôi trồng thủy sản sau bão số 3, sự đồng hành của tỉnh với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể chính là động lực to lớn để người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản sớm khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nganh-nuoi-trong-thuy-san-quang-ninh-tung-buoc-hoi-phuc-sau-bao-post837345.html