Ngành rau quả Việt nên làm gì khi đối mặt những 'cửa ải'?

Mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm nay của ngành rau quả Việt đang trở nên đầy thách thức khi đối mặt những 'cửa ải' từ yêu cầu kiểm dịch, hàng rào kỹ thuật, cho đến rủi ro khi 'bỏ trứng vào một giỏ'. Điều này cần sớm hóa giải phần nào, nhất là tuân thủ nghiêm các quy định, tăng tốc đa dạng hóa thị trường, nâng tầm công nghệ bảo quản.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết nếu tính hết các loại rau quả chủ lực mà công ty xuất đi trong mùa Tết Ất Tỵ 2025 là vào khoảng 3 - 4 container/ngày. Thực tế, đơn hàng xuất khẩu (XK) vẫn luôn ổn định và trúng vào dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc cùng các quốc gia Đông Nam Á nên có tăng đột biến khoảng 30%.

Mục tiêu 8 tỷ USD đầy thách thức

Theo ông Tùng, nếu vẫn giữ vững như mạch XK của năm 2024 (đạt kim ngạch 7,2 tỷ USD), cộng với việc có một số loại trái cây mới được XK chính ngạch thì XK rau quả của Việt Nam trong năm nay vẫn có thể tăng trưởng 15%, đạt hơn 8 tỷ USD.

Để chinh phục các nhà thu mua quốc tế đang đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tuân thủ nghiêmcác quy định, nâng tầm công nghệ bảo quản.

Mặc dù vậy, vẫn đang có những lo ngại mục tiêu kim ngạch XK rau quả đạt 8 tỷ USD trong năm 2025 này khó có thể đạt được khi đối mặt những rào cản về kiểm định từ thị trường nhập khẩu chủ lực. Nhất là khi nhìn vào con số kim ngạch XK rau quả trong tháng 1/2025 chỉ đạt 416 triệu USD (giảm 11,3% với tháng 12/2024) và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024. Không những vậy, theo dự báo XK rau quả trong tháng 2/2025 sẽ tiếp tục giảm, đạt khoảng 300-350 triệu USD, nguyên do là vì nhu cầu tiêu thụ ít sau Tết Nguyên đán.

Nhìn lại việc sụt giảm XK trong tháng 1/2025 có một phần do nhiều nước đã siết chặt kiểm định về chất lượng hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Đơn cử như thị trường Trung Quốc đã siết chặt kiểm tra chất vàng O (Basic Yellow 2 - BY2) và Cadimi trên sầu riêng đối với sầu riêng XK của Việt Nam dẫn đến tình trạng ùn ứ ở kho và cửa khẩu.

Cần nhắc lại, hồi giữa tháng 1/2025, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông báo đã nhận được cảnh báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến lô hàng trái cây tươi (bao gồm sầu riêng và mít) XK từ Việt Nam. Các lô hàng này không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của rau quả Việt Nam trên thị trường XK.

Để kiểm soát tình trạng này, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói XK. Nhất là cần xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng trái cây XK tại các cơ sở đã được cấp mã số. Các cơ sở không tuân thủ quy định sẽ bị tạm dừng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Trước đó nữa, sau khi phát hiện tồn dư nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu, vào tháng 12/2024, EU đã thông báo sẽ tăng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới từ 10% lên 20% từ ngày 8/1/2025.

Về phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã phát đi thông báo khẩn, phản đối mạnh mẽ việc một số đối tượng có dấu hiệu gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng XK. Các đối tượng này đã sử dụng hợp đồng ủy quyền giả, con dấu và chữ ký giả để lừa đảo doanh nghiệp và qua mặt cơ quan chức năng, nhằm trục lợi và XK trái phép sang Trung Quốc.

Trao đổi với VnBusiness, vị tổng giám đốc Vina T&T lưu ý Trung Quốc đang là một thị trường khó tính chứ không phải dễ tính như trước đây. Ngoài vấn đề mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói thì thị trường này còn có những hàng rào kỹ thuật nhất định, thường xuyên kiểm tra các chất kim loại nặng hoặc một số yêu cầu mới.

Tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, nâng tầm công nghệ bảo quản

Không riêng gì Trung Quốc, hiện nay ở mỗi thị trường nhập khẩu đều dựng lên một hàng rào kỹ thuật rất khác nhau đối với mặt hàng rau quả. Đơn cử như ở Mỹ cấm 7 hoạt chất dư lượng, yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp.

“Điều này đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn theo dõi sát sao thị trường, luôn luôn có sự bám sát để đáp ứng được những yêu cầu mà thị trường đó đặt ra, đặc biệt là vấn đề hàng rào kỹ thuật”, ông Tùng bộc bạch.

Ngoài vấn đề hàng rào kỹ thuật, việc tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc là điều mà ngành rau quả Việt cần phải tính toán sao cho hợp lý hơn nữa để không gặp phải rủi ro về mặt thị trường.

Vị chủ tịch của Hiệp hội Rau quả Việt Nam là ông Nguyễn Thanh Bình cũng nhận thấy rõ điều này và ông cho biết đang cố gắng thay đổi để tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”.

Có nghĩa là XK rau quả trong thời gian tới nên giảm bớt sự phụ thuộc vào một hai thị trường lớn, đồng thời gia tăng XK qua những thị trường mới có triển vọng. Hơn nữa, để đa dạng thị trường thì ngành hàng này cần tận dụng tốt hệ thống 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và 2 FTA đang đàm phán, được xem là đòn bẩy đáng kể cho rau quả Việt đến với nhiều thị trường lớn.

Việc đa dạng hóa sản phẩm và tăng tốc đa dạng thị trường trong nhiều năm sắp tới là điều bắt buộc. Để làm được điều đó, vấn đề đặt ra với ngành rau quả là phải phát triển quy mô chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, lúc đó việc đa dạng hóa thị trường sẽ trở nên hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, như lưu ý của ông Nguyễn Đình Tùng, điều rất quan trọng của ngành hàng rau quả Việt là công nghệ bảo quản cần tốt hơn, được lâu và xa hơn thì mới tiêu thụ được lượng hàng lớn khi vận chuyển bằng đường biển.

Chẳng hạn như từ Việt Nam đi Hoa Kỳ với khoảng thời gian 30 ngày hay là đến EU vào khoảng 35 ngày. Do đó, với các mặt hàng trái cây tươi đòi hỏi phải có công nghệ bảo quản với thời gian 45 - 60 ngày thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bởi vì khi tới thị trường đó, đơn vị nhập khẩu cần có một tuần lễ để nhập về các kho hàng, rồi một tuần lễ để đưa ra các thị trường tiêu thụ. Và người tiêu dùng khi mua về phải có thời gian 2 - 3 ngày mới tiêu thụ hết mặt hàng trái cây đó. Vì vậy bắt buộc các loại trái cây Việt nên có công nghệ bảo quản tốt hơn để đáp ứng một quy trình như vậy.

Như hiện nay Việt Nam có công nghệ bảo quản với trái sầu riêng cấp đông được đánh giá là khá thành công, có thể bảo quản lên tới 12 tháng giúp DN dễ dàng XK và cung cấp quanh năm. Hoặc như công nghệ bảo quản trái dừa với thời gian 80 - 90 ngày, hay như trái bưởi là 70 ngày, còn trái nhãn là 50 ngày…Đây đều là những loại trái cây XK chủ lực nên rất cần phát huy công nghệ bảo quản.

Ngoài ra, một số trái cây có tính chất đặc sản có XK theo đường hàng không với giá cao nhưng thị trường vẫn chấp nhận được, như vú sữa, chôm chôm, thanh long ruột đỏ…Tuy nhiên, về lâu về dài, theo ông Tùng, vẫn cần nghiên cứu công nghệ bảo quản cho những loại trái này để đi đường biển nhằm bán với số lượng lớn hơn và thâm nhập thị trường tốt hơn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nganh-rau-qua-viet-nen-lam-gi-khi-doi-mat-nhung-cua-ai-1104802.html