Ngành sản xuất, chế biến gỗ nỗ lực vượt khó
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, ngành sản xuất, chế biến gỗ gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2023 trở lại đây, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đang dần được hồi phục khi các đơn hàng liên tục tăng trở lại.
Tuy không có số liệu thống kê chính xác nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, tại các địa phương trong tỉnh, nhất là ở các làng nghề sản xuất, chế biến gỗ, số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ ngày càng tăng về số lượng, quy mô hoạt động cũng như chất lượng sản phẩm. Chiếm tỷ lệ khoảng 15% trong tổng số làng nghề trong tỉnh, những năm qua, các làng nghề sản xuất, chế biến gỗ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động, nhất là thu hút được nhiều lao động trẻ yêu nghề, gắn bó với nghề.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid -19, tổng cầu trong nước và thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao đã khiến cho nghề sản xuất, chế biến gỗ gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đối với hoạt động xuất khẩu, số liệu từ Chi cục Hải quan Hà Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 9%).
Nguyên nhân là do các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Anh… chịu tác động lớn của lạm phát, lãi suất cao, kinh tế suy giảm khiến người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, trong đó, đồ gỗ thuộc danh mục các mặt hàng được hầu hết các gia đình hạn chế mua sắm. Cùng với đó, biến động thị trường toàn cầu cũng kéo theo nhiều khó khăn cho ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành gỗ như chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao…
Xưởng sản xuất gỗ của gia đình anh Trần Trung Kiên, thôn Hội Động, xã Đức Lý, Lý Nhân đẩy mạnh sản xuất để kịp giao hàng trước Tết. Ảnh: Hân Hân
Trong khó khăn chung của toàn ngành, những tháng qua, cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ khác trên địa bàn xã, xưởng sản xuất gỗ của gia đình ông Lê Văn Khải – một trong những xưởng gỗ có quy mô lớn ở thôn 4, xã Nhân Khang (Lý Nhân) đã nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt xu hướng sử dụng đồ gỗ trên thị trường, chủ động đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh với việc xác định rõ đối tượng khách hàng tiềm năng. Cùng với việc quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, ông Khải còn mạnh dạn đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại vào hầu hết các công đoạn sản xuất. Theo lý giải của ông Khải, những năm gần đây, trong các công trình kiến trúc, xây dựng, người dân có xu hướng sử dụng các loại cửa kính thay thế cửa gỗ; đồng thời sử dụng nhiều vật liệu khác như gỗ nhựa, nhựa giả gỗ, xi măng giả gỗ, xốp vân gỗ... để thay thế gỗ khi ốp chân tường, lát sàn nhà, trần nhà, làm tủ bếp… do chi phí hợp lý, mẫu mã đa dạng, bắt mắt, lại khắc phục được nhiều nhược điểm của gỗ như chịu nhiệt tốt, không co ngót, nứt gãy, chống mối mọt, côn trùng xâm hại. Do đó, ngành gỗ liên tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Trước thực tế này, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp ngành gỗ là phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tính thẩm mỹ cho sản phẩm gỗ, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh đối với các vật liệu khác trên thị trường. Đặc biệt là cần tập trung khai thác, sản xuất những sản phẩm thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh. Với quan điểm đó, thời gian qua, ông Khải đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để chuyên sản xuất mặt hàng trường kỷ. Cùng đó, ông chủ động tạo sự kết nối với các làng nghề mộc khác trong và ngoài tỉnh để hợp tác, liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, sản phẩm gỗ của gia đình ông đã có lượng tiêu thụ ổn định, số đơn hàng, thị trường mới ngày càng tăng.
Nhằm duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động trong những thời điểm khó khăn, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ trong tỉnh đã nghiên cứu kỹ xu hướng tiêu dùng của thị trường để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm gỗ nội thất theo phong cách hiện đại, mẫu mã bắt mắt để thích nghi với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Anh Trần Trung Kiên, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ quy mô lớn tại thôn Hội Động, xã Đức Lý (Lý Nhân) cho hay: Giai đoạn 2022-2023 là thời điểm khó khăn chưa từng có đối với ngành gỗ. Số hợp đồng giảm mạnh cộng với giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng cao khiến xưởng gỗ phải cắt giảm lao động.
Để cải thiện doanh thu, tôi đã đầu tư ứng dụng công nghệ điều khiển số vào các công đoạn như đục, chạm, tiện gỗ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo độ chính xác cao cho sản phẩm với đa dạng các loại họa tiết, hình dáng độc đáo, đẹp mắt, đáp ứng nhu thẩm mỹ của người sử dụng. Với công nghệ này, tôi đẩy mạnh sản xuất, quảng bá các sản phẩm gỗ trang trí như đồng hồ, đốc lịch, tranh gỗ, tượng gỗ… Đây là những sản phẩm thường được khách hàng đặt mua để làm quà tặng, quà biếu, rất phù hợp sử dụng trong các khu biệt thự, nhà cao tầng, văn phòng, công sở và đang được thị trường ưa chuộng. Nhờ đó, từ cuối quý II/2023 trở lại đây, lượng khách hàng đặt làm sản phẩm gỗ tăng nhanh. Những tháng cuối năm 2023, tôi đã tăng cường nhập nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu quý I/2024.
Hiện, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, chế biến gỗ đã lạc quan hơn khi ngày càng có nhiều khách hàng trở lại. Dù đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực nhưng các doanh nghiệp vẫn rất thận trọng trong việc thu gom, nhập nguyên liệu dự trữ do giá nguyên liệu vẫn ở mức cao. Các “ông chủ” ngành gỗ vẫn đang chờ đợi những tín hiệu khả quan từ nền kinh tế, khi mọi thứ tiếp tục bình ổn và vào đà phục hồi rõ ràng hơn, nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ sẽ tăng lên.