Ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế năm 2021
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã đánh giá cao những đóng góp của ngành Tài chính vào kết quả phát triển kinh tế chung của cả nước.
Chùm ảnh khai mạc Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 2021 Ngành Tài chính: Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính - ngân sách 2021 Cải cách hành chính - động lực phát triển của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn mới
Ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp chặt chẽ để tham mưu kịp thời các cơ chế chính sách kinh tế vĩ mô
Năm 2021, tốc độ tăng GDP đạt 2,58% so với năm 2020, phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V, lạm phát được kiểm soát, tạo điều kiện thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh.
Các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác được điều hành đồng bộ, linh hoạt trong thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vào các lĩnh vực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Thu ngân sách vượt dự toán, tập trung sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn lực theo quy định đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo yêu cầu quốc phòng an ninh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đạt được kết quả đó có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính.
Năm 2021, ngành Kế hoạch và Đầu tư cùng với ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng về các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nợ công, ngân sách nhà nước.
Hai ngành đã phối hợp xây dựng Chiến lược Tài chính 10 năm 2021-2030; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch nợ công trung hạn giai đoạn 2016-2020, xây dựng kế hoạch nợ công trung hạn 2021-2025; phối hợp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay trả nợ công 2021-2025; xây dựng thí điểm cơ chế chính sách đặc thù với một số địa phương; tham mưu đề xuất chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Hai ngành đã phối hợp trong tham mưu chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, tài chính quốc gia, đề xuất các giải pháp chính sách nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép; hoàn thiện thể chế chính sách về tài chính ngân sách, đầu tư công, quản lý nợ công, xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Điển hình là tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2018/NĐ-CP, Nghị định 56/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong huy động và sử dụng nguồn vốn ODA; đề xuất các giải pháp tài khóa nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh như: Giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất...; phối hợp chặt chẽ các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Năm 2022, dự báo tình hình kinh tế - xã hội có những thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen. Trong thời gian tới, ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Tài chính để đề xuất tham mưu kịp thời, hiệu quả với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế chính sách trong điều hành quản lý kinh tế vĩ mô, ngân sách nhà nước, các giải pháp về huy động nguồn lực phục hồi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; nhất là phối hợp thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước:
Ấn tượng với chính sách về hóa đơn điện tử
Là cơ quan được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ kiểm toán để quản lý việc sử dụng tài sản công, trong suốt thời gian qua hoạt động của Kiểm toán Nhà nước luôn gắn bó, đồng hành với công tác quản lý tài chính cũng như điều hành thu - chi ngân sách.
Những kết quả, thành tích Kiểm toán Nhà nước có được ngày hôm nay cũng là nhờ sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị làm công tác tài chính trên toàn quốc, đặc biệt là Bộ Tài chính.
Qua kết quả kiểm toán trong những năm qua và đặc biệt của năm 2021, có thể thấy thời gian qua Bộ Tài chính nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện cơ chế chính sách đối với quản lý tài chính nói chung.
Qua báo cáo của Bộ Tài chính về thực hiện nhiệm vụ năm 2021, tôi xin được chia vui với kết quả mà ngành Tài chính đạt được trong năm qua trong các lĩnh vực như: hoàn thiện thể chế chính sách tài khóa, chủ động tháo gỡ cho doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ nợ công, quản lý giá, quản lý tài sản công, tài chính đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn nhưng kết quả tăng trưởng kinh tế là rất tự hào. Điều đó là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham mưu của Bộ Tài chính cho Thủ tướng Chính phủ và việc trực tiếp điều hành thu - chi ngân sách, cùng với sự nỗ lực của hàng vạn cán bộ tài chính trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, phương hướng đã đề ra.
Đặc biệt tôi ấn tượng với chính sách về hóa đơn điện tử đã triển khai trong năm qua tại 6 tỉnh, thành phố và sẽ mở rộng triển khai trên toàn quốc trong năm 2022.
Điều này đã tác động tới tất cả người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là tới công tác quản lý thuế và lĩnh vực kiểm toán của chúng tôi. Đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để chúng tôi cải cách thủ tục kiểm toán.
Trong năm 2022, tôi đề nghị Bộ Tài chính lưu tâm xử lý những vấn đề còn tồn tại trong năm qua, đặc biệt là những vấn đề ngành đã thẳng thắn nhìn nhận như: cải cách hành chính, tăng cường kỉ cương kỉ luật tài chính, tăng cường công tác thanh tra giám sát, công khai minh bạch trong quản lý thu - chi ngân sách...
Trong công tác phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, để tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp trong việc việc lập và thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo nợ công; tham gia thảo luận ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 để báo cáo Quốc hội trong năm 2022.
Đặc biệt, ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc đôn đốc, kiểm tra giám sát các kết luận của Kiểm toán Nhà nước; thực hiện tốt quy chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa hai đơn vị trong thời gian tới.