Ngành Tài chính: Kiên quyết tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công
Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực khi đã có không ít địa phương thực hiện khai thác nguồn lực từ chính tài sản công để mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Để phát huy những thành quả này và để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính vừa đưa ra một số chỉ tiêu để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công của ngành.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên và sử dụng vốn đầu tư công Giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 Tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả từ điều hành ngân sách nhà nước
Thực hiện mua sắm, trang bị theo đúng tiêu chuẩn, định mức
Để không lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công.
Ảnh minh họa
Đồng thời, Bộ Tài chính đưa ra chỉ tiêu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là các cơ sở nhà, đất đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng phương án xử lý phù hợp và kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý trụ sở cũ các đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới đảm bảo đúng quy định và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công của các đơn vị thực hiện sắp xếp lại bộ máy.
Thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; tổ chức mua sắm tài sản theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và công khai, minh bạch. Xác định cụ thể từng đối tượng được trang bị tài sản, đồng thời xác định công năng sử dụng tài sản để trang bị cho nhiều đối tượng dùng chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế ở từng cơ quan, đơn vị, tránh lãng phí trong việc trang bị, mua sắm tài sản.
Đáng chú ý Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị trực thuộc, việc tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết theo đúng các trường hợp pháp luật quy định, có đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo các yêu cầu quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản hướng dẫn nhằm phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản. Kiên quyết chấm dứt, thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lưu ý thực hiện xử lý kịp thời tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước sau khi dự án kết thúc theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát, lãng phí tài sản.
Kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công
Để làm tốt các chỉ tiêu đã đề ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, ngoài việc hướng dẫn, quy định các nội dung về quản lý, sử dụng và xử lý tài sản theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và từng bước nâng cấp Cơ sở dữ liệu tài sản ngành Tài chính, đảm bảo phù hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về yêu cầu quản lý đặc thù của các đơn vị trực thuộc. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, cập nhật thông tin tài sản công vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định.
Thực hiện việc mua sắm tập trung đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải mua sắm tập trung theo quyết định của cấp có thẩm quyền và quy định về mua sắm tập trung của nhà nước.
Thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất không đúng quy định của pháp luật; sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định tại các đơn vị trong ngành Tài chính.
Tiếp tục chủ động tháo gỡ các vướng mắc và những tồn tại trong thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất. Rà soát, kiểm tra, kịp thời đề xuất và báo cáo bộ, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước xem xét giải quyết đối với những nhà, đất phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện hoặc các cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý.
Đặc biệt, Bộ Tài chính nhấn mạnh đến giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, sử dụng tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại tại các đơn vị. Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị phải tận dụng, khai thác có hiệu quả tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại hiện có. Chỉ đầu tư xây dựng, mua sắm mới khi thực sự cần thiết và bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định.
Kiên quyết thu hồi, xử lý theo quy định đối với những trường hợp trang bị tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Rà soát, điều chuyển tài sản từ nơi thừa sang nơi thiếu; thu hồi nộp ngân sách các khoản thu phát sinh từ sử dụng tài sản công không đúng quy định. Xây dựng và điều chỉnh bổ sung kịp thời tiêu chuẩn định mức xe ô chuyên dùng của các đơn vị: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ và cơ quan Bộ.
Bộ Tài chính cũng đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp không sử dụng xe ô tô công đưa đón cán bộ không có tiêu chuẩn từ nơi ở tới nơi làm việc và ngược lại, sử dụng xe ô tô công vào việc riêng trái quy định. Theo đó, cần tăng cường sử dụng xe ô tô chung khi đi công tác nhiều người hoặc sử dụng phương tiện công cộng khi không cần thiết phải đi xe ô tô riêng.
Ngoài việc yêu cầu tăng cường đấu thầu rộng rãi khi mua sắm tài sản công, Bộ Tài chính cũng lưu ý các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện mua sắm tài sản để sử dụng dự toán NSNN hiệu quả, tránh lãng phí dự toán đã được giao.