Ngành Tài chính thiết lập nền tảng số hiện đại trên cơ sở dữ liệu lớn
Mục tiêu cơ bản là thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn-dữ liệu mở và hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả, an toàn thông tin toàn diện.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính trong thời gian tới là thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, triển khai nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế…
Trên cơ sở đó, Cục Tin học và Thống kê Tài chính và Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính đồng tổ chức Hội thảo - Triển lãm về Tài chính số trong Quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023 (Vietnam Digital Finance 2023) (VDF-2023) với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững,” ngày 21/9.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính trong thời gian qua với nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tài chính nhiều năm liên tiếp dẫn đầu trong xếp hạng về Chỉ số Sẵn sàng cho Phát triển và Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp DVC năm 2022.
Các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Kết quả ghi nhận 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Lĩnh vực hải quan ghi nhận 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế Một cửa Quốc gia...
Ngoài ra, ông Hiển cho biết hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đang xây dựng Báo cáo giám sát 4 năm tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Theo ông, những kinh nghiệm thực tiễn của Bộ Tài chính sẽ có giá trị tham khảo tốt cho các bộ, ngành khác.
Về huy động nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển bền vững dựa trên dữ liệu số đến năm 2030, tiến sỹ Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính chia sẻ với định hướng dữ liệu là tài nguyên mới, ngành sẽ xây dựng tài chính điện tử. Theo đó, mục tiêu cơ bản là thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn-dữ liệu mở và hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả, an toàn thông tin toàn diện.
Để làm được điều này, bà Nga kiến nghị một số giải pháp, bao gồm thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin về thu ngân sách Nhà nước; Xây dựng và triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; Xây dựng tổng kho dữ liệu của cơ quan thuế, hải quan; Nghiên cứu, triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ; Tăng cường kết nối dữ liệu từ Hệ thống một cửa quốc gia với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành; Hỗ trợ, hướng dẫn DN và các bên liên quan đẩy mạnh việc kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh về quản lý rủi ro trong quản lý thuế và áp dụng xử lý dữ liệu lớn. Ông cho biết những ứng dụng đang triển khai phục vụ quản lý rủi ro trong ngành, như lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, phân tích rủi ro hóa đơn, phân tích rủi ro hoàn thuế, phân tích rủi ro về tờ khai giá trị gia tăng, xác minh hóa đơn phục vụ đánh giá rủi ro hoàn thuế.
Để dữ liệu và phân tích dữ liệu có thể phục vụ quản lý rủi ro hiệu quả, ông Minh cho rằng vấn đề đặt ra cần có một khung pháp lý cũng như cách sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp, thống nhất. Cùng với đó, các chính sách về dữ liệu và quản lý dữ liệu cần được thiết kế tốt, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giải pháp, công nghệ. Quan trọng hơn hết là các mô hình phân tích và quy tắc nghiệp vụ chặt chẽ.
Về thể chế chính sách, ông Minh cho rằng cần xây dựng khung pháp lý phải đảm bảo nguyên tắc: “Pháp luật làm nền tảng hỗ trợ cho việc quản lý hiệu quả lĩnh vực quản lý rủi ro.”
Ông Minh cũng chia sẻ lộ trình triển khai của ngành trong giai đoạn 2023-2024: Hoàn thiện hệ thống các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và quản lý rủi ro; Trao đổi dữ liệu với các bên thứ ba (Thực hiện chỉ thị 18/CT-TTg 2023 về kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế thương mại điện tử và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng bài toán quản lý rủi ro tổng thể./.