Ngành than chuyển hướng sang 'xanh'

Định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua là đổi mới mô hình tăng trưởng từ 'nâu' sang 'xanh'. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mô hình tăng trưởng này, tập trung dành nguồn lực bảo vệ môi trường, giảm đến mức thấp nhất tác động xấu đến môi trường vùng mỏ.

Định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua là đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mô hình tăng trưởng này, tập trung dành nguồn lực bảo vệ môi trường, giảm đến mức thấp nhất tác động xấu đến môi trường vùng mỏ.

Ứng dụng “ba hóa” trong sản xuất

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải đánh giá: Năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TKV vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Trong tám tháng năm nay, các đơn vị thuộc TKV sản xuất ước đạt 28 triệu tấn than nguyên khai, thu nhập bình quân người lao động 12,7 triệu đồng/tháng. Hằng năm, TKV chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Năm 2019, tập đoàn đã hoàn thành các công trình trong Đề án bảo đảm môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2016 - 2020), trồng cây phủ xanh hơn 1.000 ha bãi thải; lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động. Ngoài ra, đầu tư và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất hơn 120 triệu mét khối mỗi năm, bảo đảm toàn bộ nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn. Các đơn vị thuộc TKV cũng đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp để tăng hiệu quả chống bụi, áp dụng giải pháp vận chuyển than bằng băng tải để giảm thiểu bụi, tiếng ồn gây ảnh hưởng dân cư, đô thị. Cùng với đó, di chuyển nhiều phân xưởng, nhà máy sản xuất than ra khỏi các trung tâm, góp phần cải thiện môi trường cảnh quan và phát triển đô thị của vùng mỏ. Giữa năm 2019, TKV đã chấm dứt hoạt động Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng (quy mô rộng gần 33 ha). Để thực hiện việc di dời nhà máy theo đúng tiến độ, TKV đã đầu tư 1.600 tỷ đồng vào Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai; nạo vét luồng cảng Làng Khánh phục vụ việc di chuyển vị trí sản xuất mới. Giai đoạn 1, TKV xây dựng Trạm sàng công suất 2,5 triệu tấn than/năm; hệ thống kho than nguyên khai sức chứa 48 nghìn tấn; hệ thống băng tải kín vận chuyển than từ các mỏ Hà Lầm, Hòn Gai về Trung tâm.

Trong điều kiện diện sản xuất các mỏ hầm lò và lộ thiên ngày càng xuống sâu, TKV đã nghiên cứu đổi mới, ứng dụng triệt để “ba hóa” (gồm cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào các công đoạn sản xuất, kinh doanh. Trong khai thác than hầm lò, TKV đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa áp dụng ở nhiều diện sản xuất khác nhau. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm (năm 2015) đến nay, Tập đoàn đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại tám đơn vị, gồm: Hà Lầm, Vàng Danh, Khe Chàm,... Tại Than Hà Lầm, TKV đã đầu tư một lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất lớn nhất (1,2 triệu tấn than/năm). Theo đánh giá của lãnh đạo TKV, các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2 đến 5 lần so với lò chợ bình thường, bình quân mỗi năm sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11% đến 14% tổng sản lượng than hầm lò. Với các mỏ lộ thiên giai đoạn 2015 - 2020, TKV đã đầu tư nhiều chủng loại ô-tô chở đất đá tải trọng lên đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô-tô - băng tải tại Mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu mét khối mỗi năm để giảm giá thành, chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, TKV còn chủ động ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý điều hành.

Với việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong khai thác hầm lò; đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên, đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò của TKV từ 23,5% xuống 20% và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%; năng suất lao động toàn Tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm.

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TKV năm nay là tập trung hoàn thiện mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh than. Như vậy, năm nay TKV sẽ chú trọng cân đối sản xuất, nhập khẩu than với pha trộn cho sản xuất để nâng cao giá trị than và đáp ứng nhu cầu cung cấp than cho thị trường trong nước, góp phần bảo đảm vấn đề an ninh năng lượng. Việc nhập khẩu và pha trộn than cũng giúp TKV và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh than, nâng cao kinh nghiệm, tạo hướng đi mới, lâu dài cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

Đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, dự kiến trong năm nay, TKV sẽ nhập khẩu 10,2 triệu tấn than (tăng 3,7 tấn so năm 2019). Từ đầu năm đến nay, TKV đã xây dựng kế hoạch nhập khẩu các loại than phù hợp để pha trộn với nguồn than sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu thị trường. Năm nay, TKV phấn đấu tiêu thụ 49 triệu tấn than, lớn nhất từ trước đến nay. Sản lượng than khai thác trong nước dự kiến sẽ không tăng cao so với năm 2019, đạt khoảng 40,5 triệu tấn. Theo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương, dự kiến nhu cầu than cho sản xuất điện đến năm nay là 50 triệu tấn, năm 2025 là 76 triệu tấn, năm 2030 gần 100 triệu tấn. Việc gia tăng sản lượng than đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và cho sản xuất điện là yêu cầu cấp bách. Bảo đảm mục tiêu này, việc nhập khẩu than là đương nhiên và không ngừng gia tăng theo từng năm. Các loại than nhập chủ yếu là than nhiệt năng phục vụ pha trộn các loại than trong nước như cám 4, cám 5, cám 6... Giá nhập khẩu than cũng đã được Tập đoàn cân nhắc trên nhiều yếu tố, bảo đảm có lợi nhất. Năm 2019 vừa qua, TKV nhập khẩu 6,5 triệu tấn than (tăng 5,7 triệu tấn so năm 2018). Từ đầu năm đến nay, TKV đã nhập khẩu 8,47 triệu tấn than. Năm 2020, TKV không nhập than từ Trung Quốc mà nhập của Nga, Ô-xtrây-li-a, Nam Phi và In-đô-nê-xi-a. Toàn bộ số than nhập khẩu được TKV giao cho các đơn vị cuối nguồn pha trộn chế biến ra các chủng loại than cám 5a, 6a… Đây là những chủng loại than cung cấp chính cho các nhà máy nhiệt điện trong nước hiện nay.

Từ nay đến cuối năm, TKV cho biết sẽ bám sát diễn biến thị trường để chỉ đạo điều hành linh hoạt các đơn vị trực thuộc về tiêu thụ các sản phẩm than, khoáng sản. Riêng khối sản xuất than, tiếp tục điều hành sản xuất các loại than phù hợp với kế hoạch tiêu thụ, tạm thời chưa sản xuất hoặc hạn chế sản xuất các loại than mà thị trường chưa tiêu thụ được; tập trung tiêu thụ các loại than cục, than cám chất lượng cao hiện đang tồn kho, phấn đấu chín tháng đạt tối thiểu 70% sản lượng kế hoạch đề ra. Đồng thời thúc đẩy công tác đầu tư, nhất là các dự án xuống sâu, chuẩn bị diện sản xuất cho các đơn vị. Thời điểm này, TKV đang tích cực vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, tùy nhu cầu than trên thị trường, TKV sẽ chủ động tiếp tục nhập khẩu than, chuẩn bị sẵn chân hàng phục vụ pha trộn.

MINH NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/nganh-than-chuyen-huong-sang-xanh-614895/