Ngành thang máy Việt Nam lần đầu tiên có tiêu chuẩn an toàn
Thang máy phải được đảm bảo tuyệt đối an toàn nên cần có tiêu chuẩn theo đúng quy định, được sửa chữa, thay thế các thiết bị kèm theo để quản lý.
Để làm được điều này, cần thiết phải lắp đặt tem mã định danh cho thang máy để giám sát, quản lý một cách tốt nhất.
Đó là nhận định của các cơ quan chức năng, các chuyên gia và Hiệp hội thang máy Việt Nam tại họp báo công bố tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy.
Theo đánh giá của Hiệp hội thang máy Việt Nam, những năm gần đây số lượng thang máy ở Việt Nam ngày càng tăng cao khi các tòa nhà cao tầng, tòa nhà chung cư, thậm chí là các tòa nhà của gia đình cũng được lắp đặt thang máy, thang cuốn.
Điều đáng bàn, khi số lượng thang máy phát triển nhanh chóng cũng đồng nghĩa với nguy cơ thiếu an toàn ngày càng gia tăng nếu việc thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng, bảo trì, thay thế các thiết bị định kỳ không được quan tâm đúng mức.
Thang máy có thể bị trục trặc, sự cố ở bất cứ đâu, từ nhà ở, chung cư tới các tòa văn phòng, trung tâm thương mại… Mặc dù không nằm trong danh sách các tai nạn thường gặp như hỏa hoạn hay tai nạn giao thông, song những sự cố thang máy vẫn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của con người.
Những tai nạn này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như lỗi cửa thang máy, hệ thống phanh an toàn bị lỗi, sự cố điện/cơ khí,… hay thậm chí là do các loại thang máy tự chế, không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định pháp luật vẫn “nghiễm nhiên” hoạt động mỗi ngày.
Để nhìn sâu hơn vào nội tại vấn đề, đó là hệ quả của việc chúng ta đang thiếu một tiêu chuẩn ngành thang máy, một hệ thống quản lý, giám sát vận hành thang máy một cách quy mô, bài bản.
Do đó, việc lắp đặt tem mã định danh cho thang máy để đánh giá được lịch sử, tiên đoán những lỗi, những sai sót hoặc những thiết bị hỗ trợ cần được thay thế nhằm đảm bảo an toàn nhất cho chủ sở hữu, người sử dụng thang máy.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc Hiệp hội thang máy Việt Nam triển khai công bố tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy cho thấy sự an toàn đối với thang máy là đặc biệt cần thiết.
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam cho biết, công tác quản lý thiết bị, trong đó có mã định danh thang máy được coi là rất cần thiết nhằm tăng cường công tác an toàn cho hoạt động của thang máy.
"Việc lắp mã định danh cho thang máy còn giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước gia tăng hiệu quả quản lý và tăng cường chức năng giám sát qua cộng đồng. Trong khi đó, đối với mỗi doanh nghiệp, việc lắp đặt mã định danh sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa quá trình quản lý và công tác bảo trì, sửa chữa", ông Nguyễn Hải Đức nói.
Ông Vũ Tiến Thành - Trưởng phòng Quy chuẩn kỹ thuật và Kiểm định kỹ thuật an toàn, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ, TB&XH cho biết, đơn vị đánh giá rất cao về dự án mã định danh thang máy do Hiệp hội Thang máy Việt Nam thực hiện.
Đây là điều mà Cục và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tư duy từ nhiều năm nay. Thực tế chúng tôi đã xây dựng được hệ thống dữ liệu về kiểm định thang máy, nhưng để toàn diện cả về vận hành, sử dụng thì chưa.
"Do vậy, tiêu chuẩn cơ sở mà Hiệp hội thang máy Việt Nam đưa ra được xem là dự án khả thi và sẽ hỗ trợ cho cơ quan chức năng rất nhiều trong công tác quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn cho thang máy", ông Vũ Tiến Thành nói.
Trong khi đó, ông Phùng Quang Minh - Trưởng phòng Tổng hợp kế hoạch Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia "thang máy, thang cuốn và băng tải chở người" cho rằng, TCVN/TC 178 và các tiêu chuẩn quốc gia chủ yếu được áp dụng tự nguyện từ các cá nhân, tổ chức.
“Các Tiêu chuẩn cơ sở là rất cần thiết bởi đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành, của xã hội. Vì thế chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ Hiệp hội thang máy Việt Nam trong việc xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở ngành, từ đó có thể đánh giá để nâng các tiêu chuẩn cơ sở này bổ sung vào hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN”, ông Minh nói.