Ngành thép quý III: Hòa Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hòa Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.
Giá các mặt hàng trên thị trường thép nội địa trong 9 tháng đầu năm có diễn biến giảm giá là chủ đạo và giá nguyên cho lò điện có tỷ lệ giảm ít hơn so với giá bán thép thành phẩm, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong nước. Giá thép thành phẩm giảm sâu hơn giá nguyên liệu đầu vào cho thấy áp lực cạnh tranh gay gắt về giá trên thị trường nội địa.
Thị trường bất động sản trong nước sau nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn "đóng băng" trước đó.
Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép nội địa có mức hồi phục tương ứng khá tốt trong quý III song thị trường thép nhìn chung còn nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, giá bán có xu hướng giảm đã tác động tới kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị trong ngành.
Ông lớn số 1 ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận tổng sản lượng thép xây dựng và HRC đạt 1,84 triệu tấn trong quý vừa qua, tương đương mức tiêu thụ quý I và giảm so với quý II.
Doanh thu thuần quý III của tập đoàn tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái song giảm 14% so với quý II.
Doanh thu thấp hơn quý trước liền kề được giải thích chủ yếu bởi nhóm thép với sự sụt giảm trong sản lượng và giá bán của cả mặt hàng thép xây dựng và thép cuộn cán nóng.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần mảng thép tăng trưởng 17% so với quý III/2023 từ 26.900 tỷ lên 31.354 tỷ đồng trong khi lợi nhuận thuần tăng trưởng 58% từ 3.428 tỷ lên 5.423 tỷ đồng.
Tuy nhiên giá nguyên vật liệu cũng diễn biến giảm trong quý III làm hạ giá thành sản xuất tương ứng với giá bán, do đó không gây ra tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận.
Biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát cải thiện từ 13,27% quý II lên 13,93% quý III.
Doanh thu suy giảm so với quý II cũng khiến lợi nhuận ròng của tập đoàn giảm 9% xuống còn 3.023 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 104.364 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 9.213 tỷ đồng; tăng lần lượt 23% và 139% so với 9 tháng đầu năm 2023. Tập đoàn đã thực hiện được 75% chỉ tiêu doanh thu và 92% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trái với đà phục hồi của Hòa Phát thì các đơn vị thép còn lại ghi nhận một quý kinh doanh ảm đạm. Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) đứng thứ hai về thị phần thép xây dựng (10,37%) bất ngờ báo lỗ ròng 96 tỷ quý III sau hai quý liên tiếp có lãi.
Dù doanh thu thuần quý III vẫn tăng hơn 9% so với cùng kỳ lên 8.698 song giá vốn hàng bán tăng vọt khiến biên lợi nhuận gộp của VNSteel thu hẹp còn 1,59%. Các chi phí ăn mòn lợi nhuận gộp khiến doanh nghiệp báo lỗ.
Tương tự, công ty con của VNSteel là CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) cũng báo lỗ ròng 84 tỷ đồng tăng so với mức lỗ 59 tỷ đồng cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 1,4%, về chỉ còn 0,4%.
Doanh nghiệp cho biết quý III và 9 tháng, Tisco gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thị trường cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết và bão lụt, tình trạng mất điện và điện lưới không ổn định đã ảnh hưởng đến sản xuất của công ty, làm tăng chi phí sản xuất.
Còn CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) giải thích thị trường thép vẫn còn nhiều khó khăn khi giá thép giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước kém do ngành bất động sản chưa thực sự ổn định và hồi phục đã ảnh hưởng xấu đến sản lượng và doanh thu của công ty.
SMC vẫn chưa ngắt mạch thua lỗ khi báo lỗ ròng 79 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lỗ 164 tỷ.
Một đơn vị khác trong ngành thép là CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH) ghi nhận quý thứ hai liên tiếp báo lỗ với khoản lỗ ròng 120 tỷ quý III do kinh doanh dưới giá vốn dẫu doanh thu tăng trưởng, cùng kỳ năm 2023 lãi hơn 5 tỷ.
Hai áp lực ăn mòn lợi nhuận nhóm tôn mạ
Đối với ngành tôn mạ, tình hình cạnh tranh gay gắt với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã gây thiệt hại nặng nề với các doanh nghiệp nội địa trong quý vừa qua.
Các doanh nghiệp tôn mạ/ống thép của Việt Nam (trừ Hòa Phát) đều không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào là thép HRC mà phải nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu này chiếm 80% - 90% tổng chi phí đầu vào, điều này ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp khi giá HRC biến động tăng mạnh trong điều kiện nguồn cung không bị thu hẹp
Ngoài ra, một gọng kìm khác bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này là chi phí vận chuyển tăng vọt đến từ tác động của cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ.
Doanh nghiệp nắm thị phần số 1 ngành tôn mạ là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) có doanh thu thuần quý IV niên độ 2024 - 2025 (1/7 - 30/9) tăng 25% so với cùng kỳ lên 10.109 tỷ nhờ sản lượng bán tăng, nhưng bị ảnh hưởng một phần bởi việc giá bán trung bình giảm.
Biên lợi nhuận gộp quý IV là 8,4%, thấp hơn so với biên lợi nhuận gộp quý III là 12,3%. Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng nguyên nhân biên lợi nhuận gộp quý IV giảm là do giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm do áp lực từ thép Trung Quốc.
Trong môi trường giá HRC giảm, biên lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ thường sẽ giảm do mức lợi nhuận đến từ chênh lệch giá bán đầu vào - giá nguyên vật liệu đầu ra bị thu hẹp. Điều này là do giá bán đầu ra thấp (vì mức giá này thường được điều chỉnh theo giá giao ngay), trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào lại cao (do số hàng tồn kho đã được mua với giá cao hơn trước đó).
Đồng thời tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu quý IV đã tăng 69% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí lương đã tăng gấp đôi và chi phí xuất khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước vì chi phí vận chuyển trung bình tăng do cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ.
Kết quả, Hoa Sen báo lỗ ròng 186 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 438 tỷ. Lũy kế cả niên độ, Hoa Sen đạt doanh thu thuần 39.272 tỷ đồng và lãi ròng 510 tỷ đồng; tăng lần lượt 2% và 17 lần so với cùng kỳ.
Trái với Hoa Sen thì CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) - nắm 16,6% thị phần tôn mạ (xếp thứ hai thị trường) ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 174% so với cùng kỳ, đạt 65 tỷ song lại giảm 70% so với quý II.
Doanh thu của Nam Kim tăng 22% so với cùng kỳ lên 5.188 tỷ. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 8,71%, tăng mạnh so với mức 4,8% quý III/2023 nhưng ghi nhận giảm so với con số 9% quý II.
Chi phí bán hàng của Nam Kim tăng tới 90% so với cùng kỳ do tăng mạnh chi phí vận chuyển.
Còn CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA) đạt 5.163 tỷ đồng doanh thu thuần quý III, tăng 26% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gia tăng.
Lợi nhuận gộp tăng 77% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp đạt 7,24%, suy giảm so với mức 9,1% quý II song vẫn tăng so với con số 5,2% của quý III năm ngoái. Tương tự Hoa Sen và Nam Kim thì chi phí bán hàng của Tôn Đông Á cũng tăng vọt 81% do tăng mạnh chi phí vận chuyển.
Kết quả, Tôn Đông Á báo lãi ròng 54 tỷ quý III, giảm 10% so với cùng kỳ và chỉ bằng 31% lợi nhuận của quý II.
Triển vọng ra sao?
VCBS cho rằng giá thép khả năng rất cao đã tạo đáy và bắt đầu đi vào chu kỳ tăng giá trở lại trong vài năm tới nhờ vào các chính sách kích thích thị trường bất động sản mạnh mẽ trở lại được phát động kể từ quý III.
Triển vọng lãi suất hạ trên toàn thế giới giúp kích thích thị trường nhà ở tại các quốc gia đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, ASEAN. Điều này tiếp tục là bàn đạp cho thị trường xuất khẩu thép thuận lợi và duy trì được mức sản lượng tốt trong các quý tiếp theo.
Bên cạnh đó, yếu tố thay đổi lớn tới nhu cầu thép toàn thế giới tới từ Trung Quốc sau biện pháp kích thích lớn nhất từ đại dịch. VCBS cho rằng, nhu cầu cho ngành thép Trung Quốc đã tạo đáy và có nhiều động lực phục hồi và kích thích giá thép tăng trong năm tới.
Các chuyên gia phân tích dự báo giá thép xuất khẩu tại Mỹ, EU, ASEAN cũng sẽ có xu hướng tăng trở lại theo xu hướng của giá thép Trung Quốc do nhu cầu sử dụng thép tăng lên của thị trường nội địa Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu và giảm áp lực cạnh tranh giá bán và quá trình hạ lãi suất sẽ giúp phục hồi thị trường bất động sản tại các quốc gia này giúp thúc đẩy tiêu thụ thép.
Ngoài ra, giá thép tăng trở lại cũng là điều kiện cần để các doanh nghiệp tôn mạ có thể kinh doanh ăn chênh lệch giá bán một cách bền vững khi có thể tích trữ nguyên liệu đầu vào mà không lo sợ những đợt giảm giá mạnh như giai đoạn trước đó.
Vào ngày 24/10/2024, Bộ Công Thương đã chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với các doanh nghiệp với mức thuế từ 2,56 – 34,27%.
Đây sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp tôn mạ trong nước tiếp tục gia tăng sản lượng tiêu thụ nội địa trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Phía BVSC nhận định xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng trong 2025 nhưng mức tăng có thể sẽ thấp hơn so với 2024 do hành động áp thuế chống bán phá giá từ một số quốc gia lớn như EU, Canada, Mỹ,... đối với thép mạ Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng trưởng mảng xuất khẩu sẽ đến từ chênh lệch giữa giá thép HRC ở Bắc Mỹ và châu Âu cao hơn so với giá thép ở Việt Nam; mức thuế nhập khẩu thép từ Việt Nam thấp hơn Trung Quốc tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu tôn mạ. Một động lực khác là tăng trưởng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tại thị trường xuất khẩu ASEAN, Ấn Độ,… sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.