Ngành thép trong nước phục hồi trong 'âu lo'

Các nước đua nhau phòng vệ thương mại với thép để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong khi đó, ở thị trường nội địa, thép nhập khẩu cũng đang 'tung hoành' đe dọa sự phục hồi của ngành này.

Nỗi lo lớn sau tín hiệu phục hồi

Theo báo cáo thị trường 6 tháng của Hiệp hội thép Việt Nam, thị trường thép có tín hiệu phục hồi tích cực. Sản xuất thép thô đạt 878.343 tấn, giảm nhẹ 0,4% so với tháng trước nhưng tăng 27,4% so với cùng kỳ tháng 6/2023.

Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,463 triệu tấn, giảm 4,95% so với tháng 5/2024 (sản xuất tất cả các mặt hàng thép đều ghi nhận mức giảm, riêng cuộn cán nóng HRC tăng nhẹ 1,2%) nhưng tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Dù ngành thép đang hồi phục song ông Đinh Quốc Thái – Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng chưa thấy sự tăng trưởng vững chắc.

Cụ thể tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đã đảo chiều so với tháng 5/2024 cho thấy nhu cầu thép trong nước chưa thực sự phục hồi.

Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng từ Việt Nam. Ảnh: Hồng Hạnh.

Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng từ Việt Nam. Ảnh: Hồng Hạnh.

Đáng chú ý, theo VSA, xuất khẩu thép thành phẩm các loại trong tháng 6/2024 đạt hơn 662 ngàn tấn tăng 10,9% so với tháng trước nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu các mặt hàng thép thành phẩm đều tăng so với tháng 5/2024 trừ thép cuộn cán nóng HRC giảm 48,2% và CRC giảm 40,6%.

Xuất khẩu một số mặt hàng thép có dấu hiệu suy giảm mạnh trong bối cảnh các nước đang tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với mặt hàng thép.

Bộ Ngoại thương Thái Lan (DFT) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá 30,91% đối với thép cuộn cán nóng (HRC) có thêm hợp kim từ Trung Quốc. Đây là sự mở rộng các biện pháp chống bán phá giá (CBPG) mà chính phủ Thái Lan đang áp dụng đối với thép cuộn cán nóng của Trung Quốc.

Mới đây Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, đã nhận được thông tin về việc Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, EC sẽ gửi cho các bên liên quan các tài liệu gồm đơn yêu cầu, quyết định khởi xướng điều tra và bản câu hỏi điều tra.

Đề cập các vụ việc khởi xướng điều tra trong ngành thép, ông Đinh Quốc Thái cho biết: Các doanh nghiệp thép đã từng bước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại khá linh hoạt và hiệu quả nhằm đảm bảo tính hợp pháp của các doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hàng rào thuế quan của các hiệp định thương mại tự do dần được xóa bỏ, cho nên thép nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng. Chúng ta đã khởi xướng điều tra khoảng 12 vụ việc. Riêng 7 tháng đầu năm 2024, điều tra mới một số vụ việc, trong đó có sản phẩm thép cuộn cán nóng.

Trong tổng số 29 vụ việc PVTM trên cả nước, thì số vụ việc của ngành thép chiếm tới 41% vụ việc.

Ở chiều ngược lại, theo ông Thái, các vụ việc khởi xướng điều tra của các nước xuất khẩu với thép Việt Nam cũng nhiều. Nước ngoài đã khởi kiện thép xuất khẩu của Việt Nam 75 vụ việc, trong đó kiện chống bán phá giá là 43 vụ, kiện chống trợ cấp là 3 vụ, kiện chống bán phá giá và trợ cấp là 7 vụ, còn lại các vụ việc khác.

Tìm cách bảo vệ sản xuất thép trong nước

Theo thống kê, tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.

Trong khi đó, thị trường trong nước có nguy cơ bị hàng nhập tràn vào. Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn thép (tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng giá trị gần 6 tỷ USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Hệ quả là, theo VSA, giá HRC giảm đáng kể so với đầu năm 2023. Giá HRC bình quân tháng 6/2024 là 539 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 2,3% so với tháng trước.

VSA cho biết, luôn nhất quán quan điểm ủng hộ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp thành viên, bảo vệ ngành sản xuất trong nước và xây dựng ngành thép Việt Nam phát triển đồng bộ, khép kín từ thượng nguồn đến hạ nguồn, theo định hướng tăng trưởng xanh.

Nhà nước cần tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước trước hiện tượng gia tăng đột biến của thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam có nguy cơ bán phá giá, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất thép trong nước, để tạo nên môi trường kinh doanh trong nước cạnh tranh công bằng.

VSA kiến nghị.

Đề cập đến việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm thép nói riêng, và các mặt hàng của Việt Nam nói chung, ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: Một trong những tác dụng lớn của biện pháp phòng vệ thương mại là giúp chúng ta lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Bởi vì biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp giúp chúng ta ngăn chặn hành vi bán phá giá và hành vi bán hàng vào nước ta được nước xuất khẩu trợ cấp.

Việc trợ cấp này làm cho hàng hóa đó có lợi thế cạnh tranh nhất định với hàng hóa chúng ta sản xuất trong nước. Họ được trợ giá nên giá của họ rất thấp và gây ra tác động tiêu cực đến nền sản xuất, chúng ta không bán được hàng, thua thiệt trên sân nhà.

Đại diện Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp cho rằng: Khi chúng ta áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì chúng ta ngăn chặn được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh… Hàng năm, các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng giúp tăng ngân sách nhà nước 1.500-2.000 tỷ đồng từ thuế phòng vệ thương mại.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nganh-thep-trong-nuoc-phuc-hoi-trong-au-lo-19224080911213772.htm