Ngành thuế chống thất thu ngân sách với các hộ kinh doanh lớn
Ngày 13/1 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2020 của Tổng cục Thuế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu ngành thuế phải thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm ngành thuế phải thu vượt trên 51% dự toán, tạo điều kiện để cả năm có thể vượt dự toán 5%.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để làm được điều này, ngành thuế cần bám sát những nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 01 năm 2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế xã hội – dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và chương trình hành động của Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai ngay nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2020.
Đồng thời công chức, cán bộ thuế phải nghiêm túc chấp hành kỷ cương kỷ luật, nhất là trong những ngày lễ Tết.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2020, Tổng cục Thuế phải xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế sửa đổi và Nghị quyết số 94 năm 2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 và Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính về hóa đơn điện tử.
Bộ trưởng nhấn mạnh ngành thuế phải tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro, đặc biệt có biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước có hiệu quả đối với các hộ kinh doanh lớn, dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng, hoạt động chuyển nhượng vốn và các loại hình kinh doanh mới như hoạt động giao dịch thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh phi chính thức…
Cơ quan thuế phải thực hiện có hiệu quả các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước, đảm bảo đến cuối năm 2020, số nợ thuế tối đa không quá 5% trên tổng thu ngân sách nhà nước .
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho ngành thuế phải phấn đấu trong quý 1/2020 hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp, hợp nhất các Chi cục Thuế thành các Chi cục Thuế khu vực, để ổn định tổ chức và nhân sự để đại hội đảng các cấp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, ngành thuế phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặt, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không để xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Đồng thời thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán, Ủy ban kiểm tra Trung ương…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngành thuế vẫn còn tình trạng thất thu ngân sách tại một số lĩnh vực và khu vực như khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, dịch vụ khách sạn, nhà hàng ăn uống, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, hoạt động chuyển giá; công tác đôn đốc, quản lý nợ đọng thuế đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng số nợ đọng thuế vẫn còn cao.
Vẫn còn xảy ra tình trạng công chức thuế vi phạm, bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nành. Với những tồn tại này, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp cần có giải pháp khắc phục ngay trong năm 2020.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Thuế, năm 2020 toàn ngành thuế tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt 3% nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao với mục tiêu thu đạt 1.254.300 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 35.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.219.100 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, ngành thuế sẽ xây dựng và giao dự toán thu hàng quý cho các cục thuế đảm bảo tính khả thi, tích cực, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn.
Từ đó, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Rà soát, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu.
“Ngành thuế sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ đầu năm, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế”, ông Cao Anh Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 trên cơ sở phân tích rủi ro và giao kế hoạch cho các cục thuế đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra tối thiểu đạt 19,5% số doanh nghiệp đang quản lý trong toàn ngành.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm phát hiện việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của doanh nghiệp, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo quy định.
Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành trong trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các doanh nghiệp có rủi ro cao về chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế để tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong lĩnh vực giá chuyển nhượng.
Ông Đặng Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, năm 2020 thành phố xây dựng kế hoạch với 21 chỉ tiêu và 5 chủ đề, sẽ cụ thể hóa từng việc, từng chỉ tiêu để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, phấn đấu đạt vượt trên 3% dự toán giao.
Năm 2019 tổng số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 1.276.219 tỷ đồng, bằng 109,3% so với dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, thu từ dầu thô đạt 56.233 tỷ đồng (bằng 126,1% dự toán, bằng 85,1% so với cùng kỳ); thu nội địa trừ dầu đạt 1.219.635 tỷ đồng (bằng 108,6% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ).
Năm vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế đã liên tục được cải tiến với việc chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phương pháp quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch.
Kết quả, toàn ngành thuế đã thực hiện được 96.343 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và kiểm tra được 517.554 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế với tổng số tiền kiến nghị, xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 64.525 tỷ đồng./.