Ngành Thuế 'nắn ý' chọn doanh nghiệp?

Ngày 22/3, Tổng cục Thuế có Quyết định số 365 về việc triển khai thử nghiệm và phê duyệt đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT) tại cơ quan thuế. Tuy nhiên, quá trình triển khai chọn doanh nghiệp (DN), ngành Thuế lại để lộ nhiều dấu hiệu không minh bạch, làm không đúng quy định về đấu thầu.

Trụ sở Tổng cục Thuế và thông báo đăng ký triển khai quản lý HĐĐT. Ảnh: Như Ý

Liên danh được Tổng cục Thuế phê duyệt là Công ty TNHH MTV Ứng dụng Kỹ thuật và Sản xuất và Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (Liên danh TECAPRO-FIS). Việc Tổng cục Thuế lựa chọn duy nhất 1 liên danh để thử nghiệm phần mềm quản lý HĐĐT “lộ” ý đồ tạo “hàng rào kỹ thuật” để loại DN khác, phá bỏ nguyên tắc đấu thầu rộng rãi khi mua sắm hàng hóa dịch vụ.

Nhiều DN lĩnh vực CNTT cho biết, theo Nghị định 73/2019 quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, việc thử nghiệm chỉ áp dụng đối với các sản phẩm, dịch vụ CNTT chưa sẵn có trên thị trường. Trong khi đó, sản phẩm phần mềm quản lý HĐĐT và dịch vụ cho thuê phần mềm lại là sản phẩm sẵn có trên thị trường.

Đơn cử, trên website Cục Thuế TP Hà Nội, ngày 31/12/2019 đã có thông báo danh sách 26 tổ chức cung cấp dịch vụ này và đã tham gia đánh giá, phối hợp với Cục Thuế TP Hà Nội triển khai HĐĐT cho ra sản phẩm cụ thể như E-INVOICE, CA2-ENVOICE, FPT EINVOICE, TAX24 ENVOICE...

Tổng cục Thuế cũng thông báo trên website mời các DN đã nghiên cứu và có giải pháp về phần mềm ứng dụng quản lý HĐĐT tại cơ quan thuế tham gia thử nghiệm phần mềm quản lý HĐĐT. Phải chăng yêu cầu như thế là tiền hậu bất nhất?

Dù mới thử nghiệm, song tại Quyết định 365/2021 do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh ký, Tổng cục Thuế đã khẳng định: Sau khi thử nghiệm thành công, xác định được yêu cầu nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, kinh phí, Cục CNTT chủ trì phối hợp với các vụ/đơn vị nghiên cứu trình Tổng cục Thuế, trình Bộ Tài chính duyệt phương án đầu tư ứng dụng CNTT, tổ chức triển khai chính thức.

Lắt léo chọn DN thử nghiệm

Ngành Thuế đã chọn đối tượng và phạm vi triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý HĐĐT tại 5 cục thuế. Tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm DN để ngành Thuế lựa chọn là: “Đã triển khai 2 hợp đồng phần mềm có phạm vi quy mô toàn quốc (mỗi hợp đồng giá trị tối thiểu 35 tỷ đồng) hoặc có 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 35 tỷ và các hợp đồng khác có tổng giá trị tối thiểu 35 tỷ đồng” (theo Phụ lục yêu cầu về thử nghiệm giải pháp phần mềm quản lý HĐĐT ngành Thuế đưa ra).

Với yêu cầu về hợp đồng như thế này rõ ràng, Tổng cục Thuế đã “triển khai quy mô toàn quốc” không đúng với phạm vi triển khai thử nghiệm tại 5 cục thuế như đã đưa ra. Đây chính là yêu cầu ở giai đoạn sau khi quá trình đấu thầu được Bộ Tài chính phê duyệt. Phải chăng với nhà thầu nào được chọn, sau khi hoàn thiện thử nghiệm và đáp ứng được yêu cầu nghiễm nhiên sẽ trở thành đơn vị triển khai chính thức phần mềm quản lý HĐĐT?

Những yêu cầu “lắt léo” khác về tiêu chí nhân sự chủ chốt mà chủ đầu tư “tặng” cho nhà thầu là: DN phần mềm muốn tham gia thử nghiệm phải có các nhân sự triển khai phần cứng đi kèm, mặc dù đây mới chỉ là thử nghiệm phần mềm quản lý HĐĐT, như: phải có 2 nhân sự triển khai hạng mục máy chủ, 2 nhân sự triển khai thiết bị sao lưu dữ liệu, 2 nhân sự triển khai thiết bị mạng...

Đây đúng là những yêu cầu quá lạ, đánh đố các DN đơn thuần chỉ làm phần mềm HĐĐT, vì họ không triển khai các hợp đồng cung cấp máy chủ/sao lưu/cơ sở dữ liệu nên không có nhân sự triển khai phần cứng để đáp ứng tiêu chí này. Hơn nữa, phần mềm thử nghiệm sẽ được cài đặt trên nền tảng hạ tầng CNTT hiện có của Tổng cục Thuế, vậy nên DN cung cấp phần mềm thử nghiệm chỉ cài đặt phần mềm chứ không thể cài đặt triển khai phần cứng.

Với những yêu cầu nêu trên, dễ thấy Tổng cục Thuế đang tự hạn chế nhà thầu, vi phạm các quy định thầu tại Chỉ thị 47/2017 về việc chấn chỉnh trong đấu thầu…của Thủ tướng. Chỉ thị 47 chỉ rõ: “Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể...”.

Chưa hết, nếu nhà thầu nào đó có đủ năng lực vượt qua vòng đánh giá hồ sơ đăng ký thử nghiệm, nhà thầu đó còn phải có năng lực “đặc biệt” để có thể trình diễn giải pháp thử nghiệm đáp ứng yêu cầu về chức năng, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, an toàn bảo mật, chỉ với thời gian chuẩn bị là 14 ngày kể từ ngày Tổng cục Thuế mời thử nghiệm.

Tại sao chủ đầu tư lại không tổ chức đấu thầu rộng rãi để chọn sản phẩm thử nghiệm, với thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu thông thường tối thiểu từ 20 ngày trở lên để nhà thầu có thể kịp chuẩn bị trình diễn sản phẩm? Đó vẫn là câu hỏi mà các DN và dư luận không thể lý giải.

Nếu ở giai đoạn triển khai thực tế, trường hợp Liên danh TECAPRO-FIS được lựa chọn triển khai tiếp hoặc Tổng cục Thuế tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thì rõ ràng Liên danh TECAPRO-FIS đã được “ban” nhiều lợi thế trong tiếp cận, xây dựng yêu cầu kỹ thuật hồ sơ mời thầu. Như thế là không công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, vi phạm Luật Đấu thầu.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, Liên danh TECAPRO-FIS là công ty TNHH MTV Ứng dụng Kỹ thuật và Sản xuất (TECAPRO) trúng thầu hơn 10 gói thầu tại Tổng cục Thuế với tổng trị giá trên 310 tỷ đồng, trong đó hầu hết là các gói thầu cung cấp thiết bị phần cứng.

Minh Nhật

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nganh-thue-nan-y-chon-doanh-nghiep-post1328811.tpo