Ngành thuế sắp sử dụng AI để phát hiện giao dịch bất thường
Lãnh đạo Cục Công nghệ Thông tin (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết trong năm 2025, ngành thuế sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các giao dịch bất thường và rủi ro của người nộp thuế...

Ngành thuế cũng áp dụng AI để đánh giá hiệu suất của công chức thuế.
Theo ông Lưu Nguyên Trí, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế), đến nay ngành thuế đã triển khai 147 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trong đó 122 thủ tục hành chính đã được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ duy nhất, đăng nhập một tài khoản duy nhất để có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến về thuế và các dịch vụ công khác.
MỞ RỘNG KẾT NỐI DỮ LIỆU VỚI CÁC BỘ, NGÀNH
Ngay trong tháng 3/2025, ngành thuế sẽ triển khai hệ thống hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động. Hệ thống sẽ tự động phân tích, đối chiếu dữ liệu và xử lý hoàn thuế mà không cần sự can thiệp thủ công của cán bộ thuế, giúp giảm thời gian giải quyết hồ sơ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Ông Lưu Nguyên Trí, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế.
"Hệ thống phân tích dữ liệu lớn về người nộp thuế, hóa đơn điện tử và thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau giúp cơ quan thuế phát hiện các hành vi bất thường và đưa ra các chuỗi cảnh báo rủi ro trong từng hoạt động quản lý thuế, từ đó tăng cường khả năng giám sát và kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý hóa đơn và xét hoàn thuế.
Vài năm gần đây, ngành thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bản chính sách pháp luật thuế và áp dụng AI trong việc cung cấp trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, ứng dụng trợ lý ảo cho công chức thuế trong công tác quản lý nợ, giúp giảm nguồn lực của cơ quan thuế và nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ người nộp thuế".
Trong năm 2025, ngành thuế tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thuế, hóa đơn điện tử và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan. Kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức bên ngoài, từ đó áp dụng công nghệ số, phân tích rủi ro, đưa ra danh sách người nộp thuế theo tiêu chí, mức độ rủi ro phục vụ công tác quản lý, đặc biệt là quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và chống chuyển giá.
Từ ngày 1/7/2025, ngành thuế sẽ triển khai sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế cá nhân.
Đồng thời, mở rộng triển khai kết nối, trao đổi thông tin với các Bộ, ngành và các đơn vị bên ngoài (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quản lý đất đai...) phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, từ đó hỗ trợ tự động xác định nghĩa vụ thuế và cung cấp thông tin tối đa cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.
DÙNG AI PHÁT HIỆN CÁC GIAO DỊCH BẤT THƯỜNG
Ông Lưu Nguyên Trí cho biết trong quý 1/2025, ngành thuế sẽ phối hợp với Cục Quản lý xuất, nhập cảnh (Bộ Công an) để triển khai trao đổi điện tử, tự động đối với Thông báo tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn/hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh, giúp người nộp thuế nắm bắt nhanh, đầy đủ thông tin và tự giác tuân thủ.
Theo trên, ngành thuế đặt mục tiêu đến hết năm 2025, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giúp nâng cao chất lượng phục vụ của công chức thuế và tăng sự hài lòng của người nộp thuế.
Cũng trong năm 2025, ngành thuế sẽ sử dụng công nghệ AI để phát hiện các giao dịch bất thường và các rủi ro của người nộp thuế để thông báo kịp thời cho người nộp thuế; mở rộng triển khai Chatbot AI phục vụ người nộp thuế hỏi đáp thông tin về thuế trên phạm vi toàn quốc.
Song song, ngành thuế sẽ triển khai hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến cho phép người nộp thuế đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng phục vụ của công chức khi thực hiện các thủ tục hành chính về thuế.
“Ngành thuế cũng tiếp tục triển khai các giải pháp giám sát, kiểm soát hoạt động của cơ quan thuế, áp dụng AI để phân tích hiệu suất, hiệu quả làm việc của công chức thuế, kết hợp với đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của công chức thuế”, ông Trí nói.