Ngành Thuế tiên phong chuyển đổi số phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp

Thời gian qua, ngành Thuế đã tiên phong trong chuyển đổi số, tạo thay đổi lớn về phương thức điều hành quản lý, quy trình làm việc; cùng với Bộ Tài chính hướng tới nền tài chính thông minh, góp phần công khai, minh bạch, phòng chống gian lận thuế; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của toàn ngành đã triển khai nhiều nhiệm vụ mới, với trọng tâm là chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, khai thác sử dụng hiệu quả dữ liệu góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN). Việc triển khai thành công các nhiệm vụ CNTT đã góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế, giúp tăng thu ngân sách, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Một trong những điểm nhấn trong chuyển đổi số ngành Thuế đã triển khai trong thời gian qua là: kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử (HĐĐT), vận hành cổng thông tin điện tử phục vụ công tác quản lý thuế thương mại điện tử xuyên biên giới, ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động…

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Chuyển đổi số nằm trong nội hàm của cải cách, hiện đại hóa

"Chuyển đổi số vốn nằm trong nội hàm của công tác cải cách, hiện đại hóa. Vấn đề chuyển đổi số được tách ra bàn luận cho thấy, vai trò vị trí rất quan trọng và đang chuyển động rất mạnh mẽ trong ngành Thuế với mục tiêu bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, giúp ngành Thuế đi nhanh hơn và phù hợp với mục tiêu chung của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính" - ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Thông tin về những kết quả đạt được trong triển khai hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đối với hệ thống HĐĐT, tính từ khi triển khai đến hết quý I/2024, số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,12 tỷ hóa đơn, trong đó 2 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,12 tỷ hóa đơn không mã.

Cũng tính đến cuối quý I/2024, cả nước có 50.303 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 252,8 triệu hóa đơn. Tính đến nay, toàn quốc đã có 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Với kết quả đạt được, ngành Thuế đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có bằng khen, khen thưởng đột xuất cơ quan Tổng cục Thuế và các cục thuế.

Đáng chú ý, kể từ khi đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), đến nay đã có 85 NCCNN đăng ký và được cấp mã số thuế qua cổng thông tin điện tử. Tổng số thuế quý I/2024, các NCCNN đã nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử là 2.037 tỷ đồng.

Thông tin về công tác rà soát, chuẩn hóa mã số thuế trên toàn quốc, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, số lượng mã số thuế cơ quan thuế đã rà soát, chuẩn hóa là hơn 4 triệu mã số thuế. Lũy kế số lượng mã số thuế khớp đúng cơ sở dữ liệu quốc gia là 56,8 triệu, đạt 70,3% tổng số mã số thuế cá nhân.

Về triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile), Tổng cục Thuế cho biết, từ khi triển khai đến nay đã có 830,9 nghìn lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 1,2 triệu giao dịch, với tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước thành công là 3.148 tỷ đồng.

10 mục tiêu chuyển đổi số

Năm 2024, Tổng cục Thuế đã đặt ra 10 mục tiêu trong công tác chuyển đổi số, gồm: Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình đủ điều kiện, liên quan tới người dân, DN được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

Các hệ thống thông tin của ngành có liên quan đến người dân, DN được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, DN đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Ngành Thuế đặt mục tiêu ít nhất 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 90% hệ thống máy chủ được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây; 100% cán bộ công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản theo lộ trình chung của Chính phủ.

Etax Mobile là một trong những ứng dụng mang lại nhiều thuận lợi cho người nộp thuế. Ảnh tư liệu

Đồng thời, ngành Thuế phấn đấu 90% ứng dụng cốt lõi (bao gồm ứng dụng dịch vụ thuế điện tử, ứng dụng quản lý thuế tích hợp, các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế tích hợp với dịch vụ công quốc gia…) đảm bảo độ sẵn sàng hoạt động tại Trung tâm dữ liệu dự phòng thảm họa (DRC) khi có sự cố phát sinh; 100% công chức có chức năng, nhiệm vụ phải xử lý công việc ngoài trụ sở cơ quan thuế có thể truy cập hệ thống làm việc từ xa; 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực nộp.

Ngoài ra, ngành Thuế nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 107/QĐ-BTC ngày 28/1/2022 về việc ban hành kế hoạch của Bộ Tài chính triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hiện đại hóa và chuyển đổi số ngành Thuế năm 2024 tổ chức ngày 15/4 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, đây là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có những cải cách mạnh mẽ, công cuộc chuyển đổi số đang có những bước tiến lớn để ngành Thuế giữ vững giữ vị trí hàng đầu trong công cuộc cải cách và ứng dụng CNTT của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung.

ÔNG ĐẬU ANH TUẤN - PHÓ TỔNG THƯ KÝ VCCI:

Cải cách trong ngành Thuế tương đối gốc rễ và có hệ thống

Ngành Thuế là cơ quan đi đầu trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Ngành Thuế đã thực hiện cải cách một cách đồng đều, có kết quả thực chất và cải cách tương đối bền vững so với nhiều ngành khác.

Những cải cách trong ngành Thuế tương đối gốc rễ và có hệ thống.

Đơn cử cách đây vài năm, mỗi khi đến kỳ quyết toán thuế, số người đến các cơ quan thuế rất đông nhưng hiện nay tình trạng này hầu như không có, hầu hết các TTHC đều xử lý qua môi trường mạng.

ÔNG VÕ THÀNH ĐÀNG - TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP ĐƯỜNG QUẢNG NGÃI:

Nỗ lực của ngành Thuế đã thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Công tác chuyển đổi số nói chung và việc triển khai thành công hệ thống HĐĐT là sự nỗ lực rất lớn của ngành Thuế trong công tác chuyển đổi số để phục vụ ngày càng tốt hơn cho DN và người nộp thuế (NNT). Việc triển khai thành công hệ thống HĐĐT thay cho hóa đơn giấy, có thể nói đã thay đổi phương thức quản lý cho cả DN và các cơ quan quản lý liên quan, đã mang đến cho DN rất nhiều lợi ích.

Áp dụng HĐĐT giúp DN tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn trong giao dịch mua bán, kinh doanh với việc khách hàng có thể nhận hóa đơn thông qua các hình thức điện tử nhanh chóng.

Ngoài ra, HĐĐT giúp thay đổi phương thức quản lý cho DN theo hướng ngày càng tự động trong các hoạt động đối soát hóa đơn mua vào/bán ra và thực hiện kê khai nộp thuế; tránh rủi ro về mất, cháy, hỏng; lưu trữ đơn giản, dễ dàng...

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-thue-tien-phong-chuyen-doi-so-phuc-vu-hieu-qua-nguoi-dan-doanh-nghiep-149629.html