Vì sao càng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước càng quản giá vàng lại càng tăng?
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đặt câu hỏi: Phải chăng là đấu thầu lại đang là nhân tố để làm cho giá vàng trên thị trường tăng lên. Xóa bỏ độc quyền vàng miếng, trả vàng trang sức về cho thị trường.
Cho dù Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 6 phiên đấu thầu vàng miếng nhưng sau mỗi phiên đấu thầu giá lại tăng lên và tiếp tục chênh lệch cao với giá thế giới. Vì sao, thưa ông?
- GS.Hoàng Văn Cường: Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng là nhằm tăng cung, ổn định giá trong nước và giảm chênh lệch giá thế giới nhưng đã không thành công ở cả hai phương diện: cung không tăng, giá không giảm, chênh lệch với giá thế giới càng cao.
Với mục tiêu đấu thầu để nhằm tăng lượng cung vàng trên thị trường để giúp cho giảm giá, nhưng thực tế qua các phiên đấu thầu thì lượng vàng các bên mua không nhiều, chỉ hơn chục nghìn lượng, số lượng quá nhỏ so với tổng nhu cầu của thị trường. Như thế kết quả đấu thầu không có ý nghĩa làm tăng cung để cân bằng giữa cung cầu để giảm giá.
Mục tiêu đấu thầu để ổn định giá, giảm giá cũng không thành công, vì sau các phiên đấu giá, giá trên thị trường lại tăng lên. Kết quả những phiên đấu giá vừa qua giá trúng đầu thầu còn cao hơn giá thị trường giao dịch hôm trước đó. Khi đã mua ở giá cao thì ắt các bên trúng thầu sẽ bán ra với giá cao hơn giá mua. Như vậy phải chăng là đấu thầu lại đang là nhân tố để làm cho giá thị trường tăng lên?
Qua những phiên đấu thầu vừa rồi cho thấy chúng ta cần phải xem lại cơ chế điều tiết cung cầu vàng thông qua đấu thầu như thế này đã phù hợp chưa.
Từ những phiên đấu thầu không thành công vừa rồi, theo Giáo sư, phải đặt mục tiêu đấu thầu vàng như thế nào?
- Chúng ta phải xác định lại mục tiêu đấu thầu vàng để làm gì? Để cân bằng cung cầu nhằm ổn định giá vàng trên thị trường hay nhằm chọn ai trả giá cao?.
Việc tổ chức đấu thầu vàng vừa qua dường như chỉ đặt mục tiêu chọn người trả giá cao là trúng thầu vì giá tham chiếu đưa ra và giá trúng thầu còn cao hơn giá thị trường giáo dịch trước đó. Theo đó giá bán ra thị trường sau đầu thầu sẽ phải tăng lên, bởi mua cao thì sẽ bán ra cao hơn. Với giá tham chiếu đấu thầu cao như thế, cách biệt giá thế giới rất lớn, thì người tham gia đấu thầu cũng rón rén không đặt mua nhiều vì lo rủi ro về giá trong khi giá trên thị trường quốc tế vẫn đầy biến động tác động đến giá vàng trong nước.
Chính vì thế, các phiên đấu thầu vừa rồi lượng mua rất ít, tổng khối lượng trúng thầu để cung them ra thị trường chỉ hơn chục nghìn lượng, là quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường nên không đủ lấp vào khoảng trống do cầu thị trường đang tăng, nên không có ý nghĩa ổn định giá.
Để ổn định giá vàng trên thị trường, phải đặt mục tiêu đấu thầu là tăng cung đi liền với kiểm soát cầu để cân bằng cung cầu trên thị trường và giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Theo đó, giá tham chiếu đưa ra đấu thầu không nên dựa vào giá thị trường trong nước trước đó mà phải dựa vào giá vàng tại một thị trường quốc tế cộng thêm các chi phí nhập khẩu và thuế. Người trúng thầu phải lưu ký toàn bộ số vàng này tại ngân hàng nhà nước. Ngân hàng nhà nước cũng cam kết mua lại với mức giá được xác định như cơ chế xác định giá tham chiếu. Khi các bên trúng thầu bán vàng cho người tiêu dùng, vàng vật chất được xác nhận lưu ký tại ngân hàng nhà nước cất giữ cho từng cá nhân.
Với cơ chế đấu thầu như thế, người trúng thầu là người trả mức giá thấp nhất so với giá tham chiếu và số lượng vàng đưa ra đấu thầu là không hạn chế. Thị trường vàng dành cho người tiêu dùng mua vàng để tích trữ sẽ được xác lập sát với giá vàng trên thị trường quốc tế, khi đó sẽ giảm người mua trên thị trường vàng vật chất trao tay, giúp thị trường đi vào ổn định.
Chính phủ đã có nhiều cuộc họp và chỉ đạo về quản lý thị trường vàng đều yêu cầu bình ổn ngay thị trường vàng, không để giá vàng tiếp tục “nhảy múa” và chênh lệch quá cao với thế giới. Làm sao để có giá chào sàn phù hợp như ông vừa trao đổi, thưa ông?
-Trong các phiên đấu thầu giá tham chiếu đưa ra là giá cao. Tôi nhìn thấy ở đây sự lo ngại về trách nhiệm, và chưa có cơ chế quản lý rõ ràng. Nếu giá thị trường đang là 85 triệu đồng/lượng mà lại đưa ra giá tham chiếu bằng giá thế giới cộng them thuế và chi phí nhập khẩu thì mức giá khoảng 75 triệu đồng/lượng chẳng hạn… như thế họ dễ bị quy vào tội là làm thất thoát tài sản nhà nước.
Để đấu thầu vào đạt mục tiêu, thì cần phải đưa ra giá chào sàn hợp lý để giá trúng thầu ở mức có thể kéo giá thị trường xuống sát với giá thị trường quốc tế. Muốn vậy theo tôi Chính phủ nên ra một nghị quyết quy định về đấu thầu vàng.
Trong Nghị quyết cần xác định mục tiêu đấu thầu vàng không phải là bán giá cao nhằm thu về nhiều tiền mà mục tiêu đấu thầu là để kiểm soát nguồn cung đủ để đáp ứng nhu cầu mua của những người mua vàng cất trữ với mức giá sát với mặt bằng giá trên thị trường quốc tế. Như thế mới có được giá chào sàn hợp lý và người quyết định đưa ra giá đó không lo mắc tội làm thất thoát tài sản nhà nước.
Trong lúc này thị trường đang biến động bất thường và rất lẫn lộn giữa mua vàng làm tài sản cất trữ với mua để đầu cơ, thậm chí có thể có cả việc mua vàng để rửa tiền. Bên cạnh các biện pháp tăng cung, ổn định giá thì các hoạt động phòng, chống rửa tiền liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng cần phải được hiện rất chặt chẽ. Những điều này đã được quy định trong Luật Phòng chống rửa tiền đã quy định chứ không phải chúng ta không có căn cứ pháp lý.
Thực tế cho thấy nghịch lý cứ mỗi khi có thêm chỉ đạo tăng cường quản lý thị trường vàng và cứ sau đấu thầu thì giá vàng lại tăng. Để xóa bỏ nghịch lý này, phương thức quản lý kinh doanh vàng cần phải thay đổi như thế nào, theo ông?
-Đấu thầu vàng chỉ là một cái biện pháp tình thế trong một thời điểm cần phải đẩy nguồn cung cân bằng với cầu của người mua tiêu dùng, không vì mục đích đầu cơ, thao túng. Đấu thầu không phải là giải pháp căn bản lâu dài để điều chỉnh thị trường vàng – vì đấu thầu là nhà nước trực tiếp tham gia vào thị trường. Để thị trường vàng phát triển bền vững, cần phải sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Giải pháp căn cơ là phải bỏ độc quyền vàng miếng SJC, xóa bỏ việc Nhà nước bảo hộ cho một thương hiệu vàng, hãy để cho mọi thương hiệu vàng bình đẳng như nhau. Những công ty có đủ điều kiện kinh doanh vàng thì được quyền kinh doanh (kinh doanh có điều kiện). Khi Nhà nước còn bảo hộ cho một thương hiệu thì vàng thương hiệu đó sẽ cao hơn các thương hiệu khác một cách bất thường.
Cần phải cho phép những doanh nghiệp có đủ điều kiện được phép tham gia vào thị trường vàng thế giới thông qua nhập khẩu vàng và mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản. Nhà nước phải có công cụ kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu với chính sách thuế phù hợp để hạn chế nhập khẩu tràn lan, tăng phưng thức giao dịch vàng được lưu ký trong nước để tự cân bằng cung cầu không phụ thuộc vào vàng nhập khẩu.
Phải thực hiện nghiêm việc quản lý mua bán có hóa đơn chứng từ không chỉ nhằm thu thuế mà bảo vệ được người mua hàng, quản lý được dòng luân chuyển vàng vật chất, chống buôn lậu, kiểm soát được đầu cơ, chống rửa tiền. Đồng thời, cần cho phép phát triển thị trường giao dịch mau bán vàng qua tài khoản trên sàn giao dịch sơ cấp có liên thông quốc tế dành cho nhà đầu tư kinh doanh xuất nhập khảu vàng chuyên nghiệp, và sàn thứ cấp không liên thông quốc tế dành cho mọi người dân có nhu cầu mua bán, ký gửi vàng.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Tri Nhân (thực hiện)